Mấy ngày qua, báo chí rộ lên thông tin một đoàn gồm hơn 30 hiệu trưởng đi dự “hội nghị” ở Côn Đảo, nhưng thực chất là đi tham quan du lịch gây xôn xao dư luận.

Thực tế thì chuyện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm là phụ du ngoạn là chính tại các cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước vốn chẳng phải “hiếm có khó tìm”. Có chăng là vụ nào bị phanh phui mà thôi.

Khi tôi còn công tác tại địa bàn cấp huyện, vào mùa hè năm ngoái, có đến 10/17 xã, thị trấn trong huyện trong làm tờ trình về việc tổ chức đoàn đi tham quan, khảo sát và học tập kinh nghiệm. Việc này thường xuyên diễn ra vào mùa du lịch trong năm, hoặc vào các kỳ nghỉ lễ, ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước, địa phương.

Cá biệt, một vài đơn vị địa phương có đặc thù kinh tế thuần nông, hoàn toàn không có liên quan gì đến kinh tế, du lịch biển, lại lấy lý do tổ chức đi học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở... Sầm Sơn - một bãi biển du lịch nổi tiếng tại tỉnh Thanh Hóa!

Đấy là câu chuyện “đi học tập kinh nghiệm” trong nước. Còn những chuyến công du nước ngoài cũng vô cùng phong phú.

Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2012 - 2016, bốn bộ ngành và sáu tỉnh cử trên 17.500 đoàn đi nước ngoài với gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch. Nhiều lãnh đạo cơ quan tham gia các đoàn do doanh nghiệp mời; nhiều đoàn có thành phần tham gia là người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu (mang tính tri ân).

Năm ngoái, dư luận từng ngán ngẩm trước thông tin một vị chi cục trưởng ở Hà Nội, vào đúng ngày có quyết định nghỉ hưu đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm 3 lãnh đạo chi cục đi 3 nước châu Âu trong 10 ngày để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Toàn bộ kinh phí cho chuyến đi được lấy từ ngân sách nhà nước. Chẳng hiểu sau khi đi học hỏi về thì những kinh nghiệm của vị này sẽ áp dụng vào đâu? 

{keywords}
Đi du lịch núp bóng đi học hỏi kinh nghiệm không phải chuyện hiếm. Ảnh minh họa

Kinh phí cho những chuyến “du lịch núp bóng học tập kinh nghiệm” dù lấy từ ngân sách hay do doanh nghiệp đài thọ thì đều có những hệ lụy.

Thứ nhất, nếu nó có được nhờ “rút hầu bao” ngân sách nhà nước thì không cần nói nhiều cũng đủ hiểu việc làm này lãng phí tiền thuế của dân, nguy hại thế nào đối với ngân sách một đất nước còn nghèo như Việt Nam. Đây chẳng khác nào hành vi tham nhũng.

Thứ hai, nguồn kinh phí có thể đến từ những nhà “mạnh thường quân” là các công ty, doanh nghiệp nào đó. Nhưng có một câu nói rất đúng rằng “trên đời chẳng có bữa trưa nào miễn phí”, đã là doanh nghiệp thì khoản đầu tư nào cũng phải có lợi nhuận. Dư luận có thể đặt câu hỏi bao nhiêu chuyến đi thực chất là một hình thức “lại quả”, hối lộ trá hình?

Bằng cách này hay cách khác, nhiều doanh nghiệp khi có được sự hậu thuẫn từ một số nhân vật quyền lực đã dễ dàng có được trong tay những dự án ưu đãi, béo bở tại địa phương. Và sự thất thoát tiền bạc, tài sản đương nhiên thuộc về nhà nước, thuộc về nhân dân mà thôi.

Không ít địa phương đã ban hành quy định cấm công chức không được tham gia các đoàn đi công tác nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Những quy định về siết chặt việc phê duyệt các đoàn đi “học tập kinh nghiệm”, từ kế hoạch, mục đích, đối tượng tham gia, cho đến việc viết báo cáo thu hoạch cũng không thiếu.

Song quy định có chặt chẽ đến đâu e rằng cũng khó ngăn chặn được các “cao thủ” lách kẽ hở, khi thiếu đi một cơ chế giám sát công khai, minh bạch, đủ hiệu quả và những biện pháp xử lý nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm. Mặt khác, nó còn phụ thuộc vào lòng tự trọng và đạo đức của mỗi cán bộ, công chức - những người vẫn mang “danh xưng” công bộc của dân. Mà điều này lại cũng đang là một nỗi trăn trở, nhức nhối của hầu hết người dân - chủ nhân đất nước!

Thảo Nguyễn