-Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm cũng như những ý kiến trái chiều về tác động đến thị trường bất động sản.

Tại hội thảo về tác động của Thông tư 36 sửa đổi đối với thị trường BĐS sáng nay, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển cho rằng, tăng rủi ro BĐS là phù hợp trong bối cảnh rủi ro thanh khoản và lãi suất cho vay tăng. Tuy nhiên, không nên thắt chặt tín dụng đột ngột.

{keywords}

Nhiều ý kiến trái chiều quanh việc thắt chặt tín dụng BĐS

“Việc điều chỉnh tín dụng theo sự thảo sẽ hạn chế tăng nguồn cung, giúp thị trường cân bằng cung cầu, tránh nguy cơ đóng băng, giảm giá do bội thực. Qua đây, sẽ có sự chọn lọc các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có thực lực đã có sự chuẩn bị sẽ ít bị tác động, còn những doanh nghiệp yếu, ngân hàng không cho vay thì sẽ khó phát triển. Đầu cơ sẽ chùn bước, còn người mua để ở không bị ảnh hưởng tâm lý” - Tiến sỹ Hiển nhận định.

Tiến sỹ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Nếu điều chỉnh Thông tư 36 như dự thảo, các doanh nghiệp ít nhiều đều có tác động bởi các điều kiện vay sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn, lãi suất cũng có thể bị điều chỉnh tăng…và yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án kinh doanh của mình để phù hợp với các quy định mới của ngân hàng. Việc điều chỉnh này sẽ dẫn tới gia tăng dự án dở dang, tăng lượng hàng tồn kho, giảm cơ hội mua nhà chính đáng của người dân”.

Ông Đinh Duy Trinh, Giám đốc điều hành Công ty Bản Việt Land, chia sẻ: “Thời gian gần đây, khi thông tin sửa đổi Thông tư 36 lan truyền và mặc dù chưa chính thức được ban hành và áp dụng nhưng đã có tác động xấu về tâm lý. Khách hàng khi tiếp xúc với chúng tôi cũng rất lo lắng, nếu một khi chính sách này được ban hành thì cơ hội tiếp cận tín dụng để vay phát triển dự án và mua nhà của doanh nghiệp, người dân sẽ trở nên mong manh hơn. Thậm chí đã có nhiều doanh nghiệp đã công bố phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh theo hướng cắt giảm dự án, hạ chỉ tiêu kinh doanh...”.

“Theo tôi giai đoạn này chưa phải là lúc để sửa Thông tư 36 bởi nó mới áp dụng được khoảng 1 năm. Ngoài ra thị trường hiện đang phát triển rất tốt, chưa có dấu hiệu gì của bong bóng bất động sản nên không cần thiết phải siết tín dụng lúc này” - ông Trinh đề xuất.

Thừa nhận việc những ảnh hưởng của thông tin thắt chặt tín dụng đối với toàn thị trường thời gian qua, tuy nhiên, ông Phạm Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Hưng Lộc Phát, cho rằng: “Ngay từ trong định hướng phát triển chúng tôi đã xác định mục tiêu rất rõ ràng và đưa ra lộ trình thực hiện từng bước cụ thể là củng cố, an toàn và phát triển bền vững. Mỗi bước tiến của công ty chậm rãi nhưng phải thật vững vàng. Những dự án chúng tôi đầu tư đều không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Cụ thể, tỷ lệ vốn vay ngân hàng trong mỗi dự án của Hưng Lộc Phát chỉ từ 15 -20%, phần tài chính chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có của công ty. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin về nguồn lực tài chính triển khai dự án, kể cả khi điều chỉnh chính sách tín dụng”.

Đại diện Trung tâm thông tin dịch vụ Bất động sản TP.HCM, cho biết, thời gian gần đây, khi những động thái siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được phát ra, khách hàng càng quan tâm nhiều hơn đến năng lực tài chính của các chủ đầu tư khi mua nhà. Điều này sẽ gián tiếp tác động đến tốc độ bán hàng của một số dự án. Tuy nhiên, với những dự án của chủ đầu tư có thương hiệu, đặc biệt là những dự án đã phát hành chứng thư bảo lãnh, đảm bảo hoàn tiền cho khách hàng nếu chậm giao nhà như Him Lam Chợ Lớn (Q.6), Đạt Gia Residence (Q.Thủ Đức)… thì khách hàng hoàn toàn yên tâm, không bị ảnh hưởng tâm lý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhận định: “Thị trường bất động sản nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn: Nguồn vốn tín dụng ngân hàng, và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Mà nguồn vốn huy động từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Do vậy, nếu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%; và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%, thì có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mới vừa phục hồi”.

Theo quan điểm của ông Châu, nên có lộ trình phù hợp với việc siết tín dụng để tránh gây sốc với thị trường. Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả và an toàn nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đánh giá tính khả thi của dự án phát triển bất động sản, uy tín thương hiệu và tài sản đảm bảo của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, phải đảm bảo việc quản lý, kiểm soát dòng tiền cho vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, an toàn; và cần giám sát tài sản đảm bảo từ bất động sản hình thành trong tương lai.

Quốc Tuấn