Chống độc quyền, đầu cơ vật liệu xây dựng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II.

Theo đó, liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...

{keywords}
Việc chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế

Nghiên cứu biện pháp phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép nói riêng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng.

Đối với Bộ TN&MT, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện quy định về tính toán giá đất, về chuyển nhượng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân xây dựng nhà ở… không để chuyển nhượng trái pháp luật, sai mục đích. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường.

Không để ‘sốt đất’ sau dịch, xử lý triệt để đưa tin sai sự thật

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng đất, đá, cát sỏi và các vật liệt xây dựng khác…

{keywords}
Yêu cầu theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm, xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý tình hình BĐS tại các địa phương. Trong đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.

Đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có)...

Nêu tại báo cáo gửi Quốc hội về toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến nay, thị trường đất nền đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp.

Trong Báo cáo thị trường bất động sản quý II vừa được Bộ Xây dựng công bố mới đây, Bộ khẳng định, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân. Theo luật sư, đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này.

“Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, luật sư Tú nhấn mạnh.

Thuận Phong

Sốt ảo 'xì hơi' đất nền tụt đỉnh, méo mặt cắt lỗ nửa tỷ vẫn khó bán

Sốt ảo 'xì hơi' đất nền tụt đỉnh, méo mặt cắt lỗ nửa tỷ vẫn khó bán

Theo Bộ Xây dựng, đến nay thị trường bất động sản đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá đất nền với mức giảm khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm.