Trở ngại về tài chính và trở ngại về sản phẩm căn hộ đang là những nguyên nhân được giới chuyên gia đánh giá tạo ra khó khăn để người trẻ có thể an cư.

Nhu cầu lớn

Chị Hoài Thu, một nhân viên văn phòng đang làm việc tại Q.1, TP.HCM cho biết, chị và chồng đã kết hôn hơn 1 năm nay và đang mong muốn tìm 1 căn hộ chung cư để ở. Tuy nhiên, với tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng chị chỉ tiết kiệm được 10 triệu đồng. Với mức thu nhập trên, chị tìm hiểu khá nhiều dự án nhưng giá quá cao, vượt khả năng chi trả nên vợ chồng chị vẫn sống kiếp ở thuê.

{keywords}

Nhu cầu mua nhà của người trẻ là rất lớn (ảnh: N.Vũ)

Vấn đề mà chị Thu đang gặp phải cũng là điểm chung của rất nhiều gia đình trẻ tại TP.HCM. Khảo sát của Báo Người Tiêu Dùng khi hỏi 100 người trẻ trên địa bàn TP.HCM cho thấy, 100% bạn trẻ khi được hỏi đều muốn sở hữu một căn nhà để “an cư”. Tuy nhiên, đó chỉ là “mơ ước” và không dám nghĩ sẽ trở thành hiện thực trong 1-2 năm tới.

Các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tài chính bất động sản đều có chung nhận định người trẻ chính là một trong những đối tượng khách hàng tiềm năng của thị trường. Thế nhưng, là khách hàng tiềm năng và nhu cầu lớn song họ lại đang gặp quá nhiều trở ngại để sở hữu một căn nhà.

Trở ngại nhiều

Những trở ngại của người trẻ xuất phát từ đâu, làm sao để có thể mua nhà, Báo Người Tiêu Dùng xin trích dẫn một số nội dung do ThS. Lê Minh Hoàng Long, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân Hàng TP.HCM, phân tích.

Trở ngại về tài chính

Thứ nhất, trở ngại về phương án tài chính khi huy động tiền mua nhà: Với căn hộ khoảng 1 tỷ đồng, khách được vay ngân hàng tối đa 700 triệu đồng trong vòng 15-20 năm, với lãi suất thị trường hiện dao động từ mức 7- 8,5%/năm tùy ngân hàng. Nếu vay, họ sẽ trả vốn gốc khoảng 7-9 triệu đồng/tháng. Đây là con số khá lớn so với thu nhập, nếu cho vay theo cách giải ngân theo đợt thì con số chi trả sẽ đi từ khoảng 3 triệu đồng và cũng dần tiệm cận mức 7-9 triệu đồng khi bàn giao nhà. Con số này sẽ cao hơn nếu chọn căn hộ giá cao hơn. Thêm vào đó mức lãi suất 7-8,5%/năm thường là mức lãi suất năm đầu do các ngân hàng mời chào, con số này tưởng chừng như hấp dẫn nhưng những năm sau đó lãi suất sẽ biến thiên, thường là cộng thêm biên độ 3,5-4% làm cho gánh nặng tài chính của khách hàng thêm khó khăn.

Thứ hai, trở ngại về gánh nặng tài chính chồng tài chính: Khách hàng trẻ đi mua nhà phần lớn ở nhà thuê, chi phí phải bỏ ra cho khoản này từ 2,5-4 triệu đồng/tháng. Các dự án căn hộ thường cần thời gian hoàn thành, dự án đã hoàn thiện thì giá quá cao, do vậy khi vay mua nhà, trong khi chờ nhà thì gánh nặng tài chính thêm chồng chất. Con số tổng chi phí có thể lên đến từ 5-12 triệu đồng/tháng trong năm đầu với lãi suất ưu đãi và sẽ tăng trong các năm sau.

Thứ ba, không có các sản phẩm vay ưu đãi của ngân hàng và khả năng tiếp cận các gói vay ưu đãi của Nhà nước.

Thứ tư, không đủ điều kiện vay do thói quen tiêu dùng.

{keywords}

Nhiều dự án hướng đến người trẻ, tuy nhiên để sở hữu họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn (ảnh: CTV)

Thiếu căn hộ phù hợp

Thứ nhất, trở ngại về giá cả và sản phẩm có thể lựa chọn: Hiện nay trên thị trường những sản phẩm từ 1,3-2 tỷ đồng là khá nhiều và đa dạng sự lựa chọn (chiếm gần 50% thị trường), nhưng sản phẩm này vẫn thường vượt quá khả năng tài chính của người trẻ hoặc gây khó khăn cho họ nếu chọn mua. Những căn hộ dưới 1,3 tỷ đồng thì thường ở xa trung tâm (Q.9, Q.12, Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh) hoặc các tiện nghi ít nên việc lựa chọn một tổ ấm an cư đầu đời là một quyết định khó khăn với khách hàng.

Thứ hai, trở ngại về thông tin và pháp lý: Đối với các sản phẩm căn hộ, thường thông tin sẽ cung cấp một chiều từ chủ đầu tư hoặc môi giới của các sàn. Khi dự án chưa hoàn thành, các thông tin về chất lượng, pháp lý người trẻ không có kinh nghiệm để kiểm chứng mà chủ yếu dựa vào nhân viên tư vấn, danh tiếng chủ đầu tư hoặc hỏi người thân, bạn bè. Chính sự trở ngại về thông tin và kinh nghiệm này dẫn khách hàng trẻ đến những rủi ro về sau.

Để hỗ trợ người trẻ mua nhà, ThS. Long kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra gói hỗ trợ mới với các chính sách thông thoáng và rõ ràng hơn cho người trẻ tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà, cũng như mở rộng phạm vi những dự án được mua. Về phía các ngân hàng, nên có các sản phẩm cho vay ưu đãi đối với khách hàng trẻ mua căn hộ lần đầu, các sản phẩm vay cố định lãi suất cũng như thông tin rõ ràng đến khách hàng về lãi suất sẽ phát sinh qua các năm để khách hàng chủ động về tài chính.

Về phía chủ đầu tư, nên quan tâm hơn trong việc tạo ra các sản phẩm bình dân cho khách hàng trẻ, liên kết với các ngân hàng để có chính sách trợ giá lãi suất, hoặc có các sản phẩm với lịch thanh toán theo tiến độ thực thay vì theo tháng, theo đợt hoặc chỉ thanh toán một phần cho đến khi nhận nhà để tạo điều kiện cho khách hàng.

Theo Người Tiêu dùng