-Liên tiếp những vụ khủng hoảng liên quan đến những chủ đầu tư chụp giật, cầm cố căn hộ đã bán, khiến người mua nhà ngày càng thận trọng. Trong bối cảnh đó, bảo lãnh ngân hàng trở thành giải pháp cho bài toán niềm tin của các dự án.

Thông tin dự án The Harmona được giải chấp, đã giúp hàng trăm hộ dân chung cư này thở phào sau những ngày căng thẳng. Trước đó, chủ đầu tư giao nhà đã nhiều năm nhưng sổ vẫn “cắm” ngân hàng. Chung cư Ruby Land thì đang lùm xùm vì chủ đầu tư dự án bị kiện ra tòa do không trả được nợ ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra trong những trường hợp như thế này là ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà? “Quả bóng trách nhiệm” sẽ được “đá” về phía chủ đầu tư, ngân hàng hay cơ quan quản lý nhà nước?

{keywords}
Người mua nhà phập phồng cầu may

Theo Tiến sỹ Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM), một trong những biện pháp nhằm tránh rắc rối có thể xảy ra và khách hàng tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, đó là tìm đến các dự án có bảo lãnh ngân hàng, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin và chứng minh dự án đã được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính.

“Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực, thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng, khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Điều này ít nhiều đã có những tác động tích cực đến việc bảo vệ quyền lợi người mua nhà, làm minh bạch hóa thị trường bất động sản” - Tiến sỹ Tín nhận định .

Là một khách hàng mua nhà, anh Tuấn Minh (Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Giữa thị trường bất động sản đang có sự tồn tại của nhiều chủ đầu tư, kể cả uy tín, làm ăn bài bản lẫn chủ đầu tư làm ăn chụp giựt, người mua nhà chắc chắn sẽ phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu trước.

Hiểu biết về pháp lý cũng như sự nắm bắt về năng lực chủ đầu tư của chúng tôi không nhiều. Thế nên, khi mua nhà, hầu hết chúng tôi đều muốn tìm đến những chủ đầu tư dự án có bảo lãnh ngân hàng. Việc này là cách mà người mua nhà tự bảo vệ chính mình trước một rủi ro nào đó có thể bất ngờ xảy ra trong tương lai”.

Theo ông Nguyễn Đình Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhà Khang Điền, với quy định hiện hành, chủ đầu tư muốn bán nhà thì phải giải chấp nên không lo chuyện nhà thì vẫn bán mà tài sản vẫn thế chấp. Hơn nữa, với những dự án được ngân hàng bảo lãnh thì ngân hàng đã thẩm định năng lực, tính khả thi của dự án…để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

“Thực sự đến thời điểm này, bảo lãnh ngân hàng không phải chủ đầu tư nào cũng đạt được. Nhưng một dự án mà có nhiều yếu tố như giấy phép xây dựng, sổ đỏ, chứng thư bảo lãnh… thì người mua nhà vẫn yên tâm hơn” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu quan điểm.

Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, với thị trường hiện nay, người mua sẽ chú trọng đến dự án tốt và chủ đầu tư uy tín. Đây là cơ hội cho những công ty thực sự tốt vượt lên khẳng định thương hiệu dành thị phần lớn và bền vững.

“Ngoài các yếu tố giá, vị trí, tiện ích, thiết kế, xây dựng… khách hàng cần tìm hiểu lịch sử công ty có thực lực tài chính, đã triển khai nhiều dự án đúng tiến độ, chất lượng, quản lý tốt hay không để trao niềm tin” - Tiến sỹ Đinh Thế Hiển chia sẻ.

Quốc Tuấn – Trang Phạm