Trong 10 năm qua, thu nhập bình quân của người Việt đã tăng gấp đôi, từ 1.200 USD/người/năm (khoảng triệu đồng/người/năm) lên ngưỡng 2.750 USD/người/năm (tương đương 64 triệu đồng/người/năm).

Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở, căn hộ tăng gấp 3 - 5 lần, so với 10 năm trước. Tính trunh bình để sở hữu một căn hộ bình dân, người lao động phải trả từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng. Điều này là quá sức đối với thu nhập của nhiều công chức, người lao động phổ thông.

Giá nhà ở “nhảy múa” từng ngày, cao hơn 17 lần thu nhập lao động phổ thông - 1

Thu nhập bình quân của người Việt so với giá nhà ở các thành phố lớn đang có sự chênh lệch lớn. Ảnh minh họa: Quân Đỗ

Giá nhà ở “nhảy múa” 

Sau 10 năm công tác trong lĩnh vực truyền thông, chị Hoàng Yến (SN 1988) đã để dành được 600 triệu đồng. Với số tiền này, chị Yến dự định sẽ mua một căn hộ giá rẻ tại quận Hà Đông (Hà Nội) để sinh sống lâu dài.

Thời điểm đầu năm 2019, căn hộ chị Yến dự định mua có giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Do không muốn mua nhà trả góp, chị cố gắng tiết kiệm và vay mượn thêm người thân, dự định đến cuối năm sẽ dành đủ tiền mua nhà.

Tuy nhiên sang đầu năm 2020, giá căn hộ chị Yến định mua đã tăng vọt lên 1,7 đồng (tăng khoảng 11%).

“Sau khi giá căn hộ tăng, tôi tạm phải gác giấc mơ mua nhà Hà Nội. Thay vào đó, mỗi tháng tôi trả 2,8 triệu đồng tiền thuê nhà. Trong tương lai, nếu thu nhập của tôi cao hơn, thì có thể tôi sẽ suy nghĩ lại việc có nên mua nhà hay không” - chị Yến nói.

May mắn hơn chị Yến, anh Hoàng Tấn Phát (SN 1991) đã tranh thủ thời điểm lãi suất ngân hàng ở mức thấp để mua nhà trả góp.

Giá nhà ở “nhảy múa” từng ngày, cao hơn 17 lần thu nhập lao động phổ thông - 2

Theo các chuyên gia, giá nhà cao là do nguồn cung mới đang giảm mạnh bởi những vướng mắc trong thực hiện cơ chế đất đai. Ảnh minh họa: Quân Đỗ

Theo lời chia sẻ của anh Phát, đầu năm 2020, hai vợ chồng đã có ý định mua căn hộ trả góp tại Gia Lâm với giá 1,8 tỷ đồng. Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cả hai vợ chồng đều chờ đợi giá căn hộ giảm để mua.

Dù vậy, sang tháng 7/2020, giá căn hộ không những không giảm, mà còn tăng nhẹ vài trăm triệu đồng so với thời điểm chủ đầu tư mở bán giai đoạn đầu. Vì vậy, cả hai quyết định mua ngay lập tức.

“Đúng như tôi dự đoán, căn hộ mà tôi mua đang hiện vẫn đang tiếp tục tăng nhẹ trên thị trường. May mắn thời điểm hai vợ chồng mua, số tiền vẫn đủ trong dự tính” - anh Phát chia sẻ.

Choáng vì giá nhà gấp 17 lần 

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nguồn cung mới đang giảm mạnh bởi những vướng mắc trong thực hiện cơ chế đất đai.

Báo cáo của VARS cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh gần như không có dự án mới được phê duyệt.

Ngay cả các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu từ quy hoạch, cấp phép xây dựng cho đến việc đủ điều kiện tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho biết: Tại TP.HCM, căn hộ bình dân và giá rẻ đã gần như “tuyệt chủng” trên thị trường. Ngược lại, nhu cầu của người dân mua nhà ngày một tăng.

“Với sự mất cân bằng giữa cung và cầu, giá nhà tăng giá là điều đương nhiên. Ví dụ, những căn hộ hạng C, trước có giá 15 - 18 triệu đồng/m2, thì nay đã chạm ngưỡng giá căn hộ hạng B đã đạt ngưỡng 25 - 28 triệu đồng/m2” - ông Đính nói.

Trong khi đó, một nghiên cứu của batdongsan.com.vn chỉ ra rằng, giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện nay cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam - nhận định: Thị trường nhà ở Hà Nội cũng đang đối mặt với sự nhạy cảm về giá, ở khu vực ngoài vành đai ba cũng đã có giá tới 60 triệu đồng/m2. Vượt xa thu nhập của đại đa số người dân, nhất là giới trẻ.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) - cho rằng: Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới đây sẽ làm cho nhiều hoạt động bị đình trệ.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà tăng, làm cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư khó tạo lập nhà ở hơn trước đây. Điều này nguy cơ tạo ra mối quan ngại về an sinh xã hội về nhà ở.

Theo Dân trí

Thị trường bất động sản TP.HCM ‘khát’ nhà ở bình dân

Thị trường bất động sản TP.HCM ‘khát’ nhà ở bình dân

Tổng số dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn giảm so với năm trước nhưng số lượng nhà ở cao cấp lại tăng. Trong khi đó, phân khúc nhà ở bình dân đang dần mất hút trên thị trường.