Kể từ ngày 31/3, gói 30.000 tỷ đã chính thức đóng cửa với người vay mới. Để giải quyết nhu cầu vốn vay lãi suất ưu đãi cũng như những vấn đề khác của thị trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét.

Theo HoREA, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội được áp dụng lãi suất 4,8%/năm kể từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank để cùng thống nhất áp dụng.

{keywords}
Kiến nghị gói hỗ trợ mới thay gói 30.000 tỷ để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà

Chương trình nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 còn nhiều ý kiến còn khác nhau giữa các Bộ, Ngành. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Từ thực tế đó, HoREA đưa ra 4 kiến nghị:

Thứ 1: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

Thứ 2: Hiệp hội không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính: "Bỏ nội dung quy định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội", bởi vì Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định (Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 là phù hợp.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc gửi tiết kiệm nhà ở xã hội với thời gian tối thiểu 12 tháng) để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

Thứ 3: Hiệp hội không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính: "Quy định lại về lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn; Không cấp bù chênh lệch lãi suất..."; "Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện hành".

Hiệp hội đề nghị vẫn thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 74 Luật Nhà ở 2014: "Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội", vì quy định này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho người thu nhập thấp đô thị tiếp cận nhà ở xã hội.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hỗ trợ các ngân hàng thương mại tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Để không vượt quá khả năng ngân sách, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cân đối kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hợp lý bố trí trong giai đoạn 2016-2020.

Thứ 4: Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (bằng mức 4,8%/năm của Quyết định 1013/QĐ-TTg) áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội để thực hiện thống nhất.

Chương trình nhà ở xã hội dù triển khai đã nhiều năm nhưng hiệu quả thực tế vẫn còn khá hạn chế. Trong khi đó, riêng tại TP.HCM, dân số lên đến 13 triệu người với khoảng 3 triệu người nhập cư, hơn 200.000 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, với đa số là người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.

Quốc Tuấn