2.000 tỷ thâu tóm 34% cổ phần nhà máy nước lớn nhất Việt Nam

Thời gian gần đây, đón đầu xu hướng thoái vốn toàn bộ các công ty nước sạch thuộc sở hữu nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân và kể cả nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt nhảy vào mua lại, thâu tóm.

Bóng dáng nhà đầu tư ngoại cũng từng thâu tóm cổ phần tại Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco). Vào năm 2010, Vinaconex đã chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần tại VCW (43,6% vốn) cho Công ty Acuatico Pte Ltd của Singapore. Sau 6 năm gắn bó, vào tháng 4/2016, Acuatico Pte Ltd bất ngờ công bố thoái toàn bộ phần vốn cho một doanh nghiệp trong nước.

Hay tại Công ty CP Nước mặt sông Đuống – nhà máy nước lớn nhất Việt Nam, ngày 8/8 vừa qua, một doanh nghiệp của Thái Lan là CTCP đại chúng điện và nước WHA (WHA) đã gửi thông báo tới Sở GDCK Thái Lan về việc một công ty con là WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) mua gần 34 triệu cổ phiếu (tương đương 34%) cổ phần từ ông Do Tat Thang, một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (SDWTP) với trị giá tổng cộng hơn 2.073 tỷ đồng.

{keywords}
WHAUP của Thái Lan đã nắm giữ 34% cổ phần Nước mặt sông Đuống (nguồn: Aqua One).

Trước khi người Thái mua cổ phần, Aqua One theo danh sách cổ đông sáng lập sở hữu 58% vốn của CTCP Nước mặt Sông Đuống. Công ty nước sạch Hà Nội 10%; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch gần 5%; Công ty CP Đầu tư Việt Nam – Oman 27%.

Sau thương vụ trên, WHAUP hiện là cổ đông lớn thứ hai tại CTCP Nước mặt sông Đuống, đứng sau CTCP Nước Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT (41%).

Cổ đông hiện hữu tại doanh nghiệp nước này đã có sự thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của nhà đầu tư Thái Lan và sự rút lui của CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman. Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (nắm giữ 10%) và Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (5%).

Không chỉ mua 34% cổ phần tại Nhà máy nước sông Đuống – nhà máy nước lớn nhất Việt Nam, WHAUP hồi cuối tháng 3 đã thông qua công ty con tại Nghệ An mua 47,31% cổ phần tại CTCP Cấp nước Cửa Lò với tổng giá trị gần 23,5 tỷ đồng.

Thông tin trên báo Bangkok Post (Bưu điện Bangkok) cho biết, WHAUP rất quan tâm đến thị trường nước ở Việt Nam. Ông Wisate Chungwatana - Giám đốc điều hành của WHAUP cho biết, hoạt động kinh doanh nước của WHAUP chiếm 50% tổng doanh thu, 50% doanh thu còn lại đến từ sản xuất điện.

Tại Thái Lan, WHAUP cung cấp nước cho 750 khách hàng tại 9 khu công nghiệp ở Chonburi và Rayong. Tất cả các khu công nghiệp này được WHA Industrial Development (WHA ID) vận hành. Ông Wisate cho biết, có 5 khu công nghiệp khác của WHA ID đang chờ được xây dựng trong tương lai.

Năm 2019, công ty này chi 2,2 tỷ bath mở rộng dịch vụ cung cấp điện và nước trong đó có 2 thương vụ thâu tóm lớn ở 2 nhà máy nước tại Việt Nam.

ĐBQH lo làn sóng mua bán các doanh nghiệp nước sạch, an ninh nguồn nước

Chiều 4/11, phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, về an ninh nước sạch, theo quyết định của Thủ tướng, nước sạch thuộc lĩnh vực nhà nước không cần nắm quyền chi phối, tỷ lệ sở hữu được giảm xuống còn dưới 50%; đến năm 2020, nhà nước có thể thoái vốn toàn bộ.

Số liệu của Hội cấp thoát nước Việt Nam cho thấy, hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước sạch thoái vốn trên 63 tỉnh, thành cả nước. Làn sóng mua bán các doanh nghiệp nước sạch diễn ra rầm rộ với sự vào cuộc của các đại gia trong nước và cả nước ngoài.

{keywords}
không chỉ mua 34% cổ phần tại Nhà máy nước sông Đuống doanh nghiệp Thái Lan còn sở hữu 47% cổ phần tại Công ty Cổ phần cấp nước Cửa Lò.

Ông Bình ví dụ như Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà mua lại Cty TNHH MTV nước sạch Vinaconex thuộc Bộ Xây dựng; hay có đơn vị đã mua hàng loạt Công ty tại nhiều địa phương như ở Hà Nội, Bình Thuận, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An...

“Sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, đủ mọi ngành nghề biến thị trường nước sạch được định giá hàng chục tỷ đô la bị giành giật khốc liệt để lại nhiều hệ lụy tiêu cực”, ông Bình nói, đồng thời dẫn chứng chính sự cố nhà máy nước sạch sông Đà vừa qua.

Trước thực trạng trên, ông Bình kiến nghị Chính phủ không nên thoái vốn toàn bộ mà cần phải có lộ trình và phải nắm một phần vốn nhất định trong các công ty cấp nước. Bởi theo ông Bình nước sạch là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và phát triển kinh tế xã hội.

“Đây cũng là quyền con người đã được hiến định trong hiến pháp. Do đó việc đảm bảo nước sạch cho cộng đồng phải là của nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một hay một nhóm doanh nghiệp làm thay”, ông Bình nói.

Mặt khác, ông Bình cho rằng, nếu để doanh nghiệp tư nhân kiểm soát toàn bộ hệ thống nước sạch từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ cho người dân trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp và còn nhiều lỗ hổng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

“Chính vì vậy, đối với các doanh nghiệp trước đã có vốn dưới 50% sẽ giữ nguyên, còn đối với các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì nhà nước vẫn nên giữ cổ phần trên 50%. Có như vậy mới đảm bảo an ninh nguồn nước sạch cho người dân”, ông Bình nói.

Bán nước khi nhà máy chưa nghiệm thu, doanh nghiệp coi thường pháp luật

Liên quan đến việc nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã bán nước cho dân, nêu ý kiến tại tọa đàm “Quản lý thị trường nước sạch - nhìn từ vụ nước nhiễm dầu”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng đây là sai phạm hết sức nghiêm trọng, cần dừng ngay việc bán nước để thanh tra xử lý vi phạm.

Doanh nghiệp tự ý hay cơ quan quản lý cho phép thì phải xem xét việc có biểu hiện của chạy chọt, vì lợi ích. Nếu quy trình nước sạch chưa được kiểm soát, chưa có giấy phép và chưa được các cơ quan chức năng cho phép bán vậy vì nguyên nhân nào, cơ sở nào để thực hiện việc bán nước này - ông Phương phân tích.

{keywords}
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, việc nhà máy nước chưa đủ điều kiện nghiệm thu nhưng đã bán thương mại là sai phạm hết sức nghiêm trọng, cần dừng ngay việc bán nước để thanh tra xử lý vi phạm.

ĐB Phùng Văn Hùng, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: "Nhà máy cung cấp nước chưa đủ điều kiện của Cục Giám định chất lượng nhà nước nhưng đã đưa vào sử dụng, cung cấp cho người dân thì đây là vi phạm pháp luật. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan ở đâu khi gây nên sự lo lắng rất lớn cho người dân như vậy?" - ông Hùng nêu.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện QH Lưu Bình Nhưỡng nhận định: "Theo tôi, hiện đang có cuộc chiến về thị trường nước. Đây là cuộc chiến lớn có liên quan tới lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm".

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng thì đương nhiên vi phạm, là vi phạm lớn.

Đồng quan điểm, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, luật đã quy định công trình chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu. Nhưng chủ đầu tư vẫn đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng, bán nước cho dân thì rõ ràng là vi phạm quy định, coi thường pháp luật.

“Từ quy trình nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng, đến việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phục vụ người dân đều được quy định, điều kiện rất cụ thể. Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng đến nay Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Tại sao Hà Nội vẫn quyết dùng nước từ nhà máy chưa đủ điều kiện nghiệm thu?” – luật sư Truyền đặt vấn đề.

Hồng Khanh

Bán nước khi nhà máy chưa được nghiệm thu, doanh nghiệp coi thường pháp luật

Bán nước khi nhà máy chưa được nghiệm thu, doanh nghiệp coi thường pháp luật

- Trước việc nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác bán nước cho dân luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh thẳng thắn đặt vấn đề, tại sao Hà Nội vẫn quyết dùng?