-Vài năm gần đây nhiều doanh nghiệp địa ốc công bố thông tin thưởng Tết bằng ô tô, căn hộ bạc tỷ. Liệu những thông tin công bố này có minh chứng rằng doanh nghiệp đó đang “ăn nên làm ra” hay chỉ là chiêu trò đánh bóng tên tuổi?

Công bố thưởng khủng để làm gì?

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, một số doanh nghiệp địa ốc cuối năm thường công bố thông tin thưởng rất lớn so với các doanh nghiệp khác. Thưởng Tết của doanh nghiệp địa ốc có 2 mặt: Thứ nhất là do công ty làm ăn hiệu quả, lợi nhuận nhiều, nhân viên kinh doanh tốt và thứ 2 là mang tính PR.

{keywords}
Thưởng tết khủng hay chỉ là chiêu trò? (Ảnh minh họa)

“Ngành bất động sản mang tính đặc thù hơn các ngành khác do sản phẩm mang giá trị lớn. Thành ra, doanh nghiệp địa ốc thường dồn thưởng thật lớn về một người để có thể khuyến khích, tạo động lực cho các nhân viên khác noi theo” - ông Quang chia sẻ.

Anh Nhật Duy, môi giới có thâm niên tại TP.HCM thì cho rằng, thông tin thưởng Tết khủng sẽ tác động ngay đến số đông. Trong đó có 2 nhóm đối tượng mà doanh nghiệp có thể hướng đến: Thứ nhất là nhân sự, mà chủ yếu là môi giới; thứ 2 là khách hàng.

“Đối với môi giới mới vào nghề, họ có thể nghĩ ngay đó là công ty làm ăn tốt để vào làm. Khách hàng cũng vậy, những người thiếu kinh nghiệm dễ tin rằng công ty thưởng khủng phải đăng “ăn nên làm ra” nên mua nhà của họ sẽ cực kỳ yên tâm.

Chiêu thưởng khủng vẫn được nhiều doanh nghiệp sử dụng, chứng tỏ nó vẫn mang lại hiệu quả nhất định, theo ý đồ của họ. Nhưng với những người có kinh nghiệm, chắc chắn thông tin thưởng Tết chỉ mang tính tham khảo. Thậm chí nó còn ẩn chứa nhiều rủi ro đằng sau đó. Điều này cũng giống như đại gia bết bát lại hay đi Rolls - Royce để dễ vay nợ.

Thực tế cũng minh chứng, những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tài chính lành mạnh, uy tín hàng đầu tại Việt Nam trong ngành bất động sản hiếm khi công bố thưởng khủng. Trong khi đó, có những doanh nghiệp đang “bệnh nặng” cũng cố gượng gạo công bố thông tin thưởng khủng để vớt vát chút niềm tin. Những trường hợp này, chỉ cần nhìn các dự án họ triển khai trên thực tế sẽ thấy ngay điều ngược lại” - Nhật Duy chia sẻ.

Công bố thưởng, thực tế chưa chắc nhận được

Ông Trần Khánh Quang cho rằng, trên thực tế có những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả lắm nhưng lại công bố thưởng Tết cực kỳ lớn bằng nhà, ô tô, thì cũng nên xem lại cách thưởng như thế nào. Phải xem doanh nghiệp đó hoạt động có hiệu quả hay không thì mới biết là thưởng thật hay không. Thưởng làm sao để cho đẹp là một chuyện khác.

“Khi doanh nghiệp quá nhấn mạnh PR qua chuyện thưởng Tết thì người nhận thưởng cũng chưa chắc nhận được thưởng như công bố. Ví dụ tặng một căn hộ nhưng bắt phải sống ở đó, hoặc bắt người được nhận thưởng phải cam kết làm việc với công ty trong vòng 20 năm... Có khi căn hộ chưa làm xong thì làm sao mà ở?

Thêm nữa, chẳng hạn doanh nghiệp lợi nhuận chỉ được 20 tỷ mà tặng nhà 10 tỷ thì quá vô lý. Độ hoành tráng ở ngoài khác với lợi nhuận thực tế. Đó là những năm vừa rồi, còn năm nay thưởng thực sẽ có nhiều hơn, vì các doanh nghiệp địa ốc làm ăn cực kỳ tốt” - ông Quang nói.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp khác tại khu Đông TP.HCM thì đánh giá, thông thường, ở khối kinh doanh, sẽ chia hoa hồng theo quý để tạo động lực, nếu gom về cả năm thì quá lâu. Thưởng Tết cùng lắm vài tháng lương, mà lương khối kinh doanh khá thấp so với hoa hồng theo doanh số, nên rất khó có con số khủng.

Do vậy, để có con số thưởng Tết khủng, đôi khi là nhiều chiêu trò đằng sau. Có trường hợp công ty công bố thưởng ô tô, nhưng thực tế ô tô đó chỉ được cấp cho lãnh đạo sử dụng đi lại, phục vụ công việc, còn về mặt sở hữu vẫn là của công ty đứng tên. Chưa kể, nếu thưởng nhà bạc tỷ mà người được thưởng cũng là người nhà sếp lớn…

Theo các chuyên gia, cần hết sức thận trọng với những doanh nghiệp công bố thưởng lớn bất thường. Nếu công bố thưởng khủng mà thực tế dự án chậm tiến độ, để xảy ra tranh chấp, nợ lương, hoa hồng của nhân viên… thì cần đề phòng để tránh hậu quả đáng tiếc vì trao niềm tin nhầm chỗ.

Trang Phạm – Kim Cương