-Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, ở thị trường mới nổi tại huyện Đông Anh, quận Long Biên do có một số nguồn thông tin về việc chuẩn bị xây dựng một số cây cầu đã xuất hiện môi giới hoạt động đầu cơ, tăng giá, trục lợi ở những khu đất không nằm trong quy hoạch phát triển dự án.

Cảnh báo trục lợi, “ăn theo” quy hoạch

Hội Môi giới BĐS Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình thị trường BĐS trong quý III/2017. Tại Hà Nội, trong quý III vừa qua, nguồn cung mới ra hàng từ 20 dự án BĐS, ước đạt trên 5000 sản phẩm căn hộ. Thị trường Hà Nội hiện có tổng nguồn cung căn hộ khoảng trên 20.000 căn.

Tổng lượng nhà ở chung cư giao dịch đạt 4.955 giao dịch, giảm khoảng 8,5% so với quý 2. Trong đó, căn hộ cao cấp chiếm 5,4%, trung cấp chiếm 36,4% và giá thấp chiếm 58,2% tổng lượng giao dịch căn hộ trên địa bàn thành phố.

Trên tổng lượng giao dịch nhà ở tại Hà Nội nêu trên, có 3.850 giao dịch đã được ký hợp đồng chính thức (Theo Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng); các giao dịch còn lại là giao dịch đã ký thỏa thuận đặt cọc, xác nhận mua.

Các sản phẩm đất nền, biệt thự, nhà liền kề và shophouse do hiện tại có quá ít dự án ở phân khúc sản phẩm này nên lượng giao dịch chỉ chiếm 2% tổng lượng giao dịch trên toàn thành phố, đạt 98 giao dịch. Ở khu vực trung tâm thành phố, không có dự án đất nền nào, có thể phát triển một số dự án nhỏ nhưng với số lượng không nhiều, chủ yếu nằm ở ven đô như Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh.

{keywords}

Ở thị trường mới nổi tại huyện Đông Anh, quận Long Biên do có một số nguồn thông tin về việc chuẩn bị xây dựng một số cây cầu đã xuất hiện môi giới hoạt động đầu cơ, tăng giá, trục lợi (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, ở thị trường mới nổi tại huyện Đông Anh, quận Long Biên do có một số nguồn thông tin về việc chuẩn bị xây dựng một số cây cầu. Nên đã xuất hiện môi giới không chuyên hoạt động đầu cơ, tăng giá, trục lợi ở những khu đất không nằm trong quy hoạch phát triển dự án.

“Đây là những hiện tượng và thông tin không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Khuyến cáo các nhà đầu tư và người tiêu dùng hết sức tỉnh táo, tránh để bị lợi dụng, xảy ra hậu quả và gây tình trạng hỗn loạn thị trường” – đơn vị này đưa ra cảnh báo.

Cũng theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thực tế, có một số dự án tại các khu vực này sẽ ra hàng trong quý như dự án Eurowindow River Park, với nguồn cung khoảng 2.000 căn hộ có giá bán ổn định từ 17 – 20 triệu/m2, và một số dự án ở phường Việt Hưng, Sài Đồng, Long Biên.

Cùng với các dự án trên, hiện tại trên thị trường trong quý IV, dự án Khu đô thị Thanh Hà của Tập đoàn Mường Thanh, ở huyện Thanh Oai được chào bán. Tuy nhiên, người mua nên cẩn trọng vì các sản phẩm ở dự án này vẫn còn nhiều vấn đề về pháp lý.

Có nên mua đất đợi cầu?

Trước đó, Hà Nội đã đề xuất đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng để xây các cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống. Cụ thể 4 cây cầu này gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Thông tin này đã làm nóng thị trường BĐS. Dù thông tin xây 4 cây cầu nghìn tỷ trên mới là chủ trương của Hà Nội nhưng đã có nhiều thông tin “sốt đất” tại những khu vực có cầu bắc qua.

Thị trường sốt theo quy hoạch không phải là chuyện lạ. Cách đây vài năm, tin vào việc xây cầu Nhật Tân sẽ tạo cơn sốt đất tại Đông Anh, nhiều người bỏ hàng tỷ gom đất chờ ngày giá lên. Thế nhưng, cầu xây xong đã lâu nhưng giá đất vẫn chưa lên được nên nhiều người đành ngậm đắng nuốt cay.

Thực tế, thị trường BĐS khu vực Long Biên nhiều năm nay chưa có cơn sốt đất nào, kể cả có những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xây dựng bất động sản về triển khai dự án. Thậm chí, một dự án rộng hàng chục hecta bỏ hoang dù đã xây xong hạ tầng, chung cư, biệt thự và nhà liền kề. Nhiều dự án giá rẻ bán cả năm không hết hàng.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Hà Nội phân tích, khi có cơ sở hạ tầng mới kết nối giữa 2 bờ sông, quận Long Biên vốn có vị trí rất gần với trung tâm Hà Nội thì rất có khả năng trở thành khu dân cư mới, trung tâm bất động sản mới, hoàn toàn có cơ sở để Long Biên có những dự án có chất lượng tốt hơn, tiện ích tốt hơn.

“Dù bất động sản phía Đông giàu tiềm năng, nhưng không ai có thể dự báo được trong một khoảng thời gian cụ thể thì giá BĐS khu vực này sẽ tăng như thế nào. Nhưng, nếu nhìn vào những con số thống kê trong quá khứ thì có thể biết được tăng bao nhiêu là hợp lý, ổn định. Ví dụ thị trường ổn định, trong một năm, giá có thể tăng từ 3 – 5%, tốt hơn thì sẽ còn cao hơn. Còn nếu kì vọng tăng tới 10% đến 15% trong vòng nửa năm hoặc 1 năm thì rất khó”.

Vì vậy, đối với những ai có chủ trương đầu tư BĐS khu vực này, bà An cho rằng, cũng cần thận trọng. Bởi nếu may mắn thì không sao nhưng không may thì nhiều rủi ro có thể xảy ra. “Với nhà đầu tư, chớp thời cơ nhanh hơn, khi gặp may thì lợi nhuận càng nhiều, nhưng rủi ro cũng càng cao. Đặc biệt là những cơ hội mang lại lợi ích đầu tư từ thị trường không phải luôn dành cho mọi người”- bà An lưu ý.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù hạ tầng giao thông kết nối khu vực phía Đông được đầu tư phát triển, nhưng nhà đầu tư cũng nên rất thận trọng. Trên thực tế, những bài học nhiều người bị mắc kẹt khi chạy theo cơn số đất tại Đông Anh, ăn theo cầu Nhật Tân, hay cơn sốt đất Ba Vì, Mê Linh vẫn còn đó.

Hồng Khanh

Hà Nội xây thêm 4 cây cầu mới, giá nhà đất có tăng “phi mã”?

Hà Nội xây thêm 4 cây cầu mới, giá nhà đất có tăng “phi mã”?

Hà Nội dự kiến xây dựng 4 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có một làn sóng mới trên thị trường bất động sản, giá đất khu vực các cầu đi qua sẽ tăng theo cấp số nhân.