Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết “Khách vay gói 30.000 tỷ hoảng loạn khi biết tin dữ” nhiều ý kiến cho rằng, đầu tiên phải trách người vay không đọc kỹ hợp đồng. Tuy nhiên, khi cầm trong tay hợp đồng tín dụng này, liệu có bao nhiêu người dám tự tin sẽ hiểu rõ những điểm mập mờ?

Bạn đọc Lê Công Truyền chia sẻ trên VietNamNet: “Tôi cam đoan 100% các bác comment kiểu như “phải đọc kỹ hợp đồng” là những bác chưa bao giờ đi vay ngân hàng”. Đây là ý kiến đã nhận được rất nhiều quan điểm tán đồng.

Qua khảo sát một số khách hàng đã tiếp xúc và vay gói 30.000 tỷ, nhiều người cho biết, họ không được gửi tham khảo hợp đồng tín dụng để về nhà nghiên cứu kỹ trước khi ký mà trước đó, chỉ được ngân hàng xác nhận đủ điều kiện vay hay không.

Khi cầm trên tay hợp đồng tín của khách hàng đã vay gói 30.000 tỷ của một ngân hàng thì mới biết, rất nhiều điều khoản ghi chung chung. Trong đó, không có một dòng nào ghi rõ “khoản giải ngân sau thời điểm 1/6/2016 sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay thông thường” như tinh thần Thông tư 11/2013/TT-NHNN.

{keywords}
{keywords}
Hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ của ngân hàng Vietcombank

Đơn cử, trên một Hợp đồng tín dụng dài 7 trang, của Vietcombank, có ghi trong phần “Lãi suất cho vay trong hạn” như sau:

“Giai đoạn trước ngày 02/06/2023:

- Mức lãi suất và phương thức điều chỉnh lãi suất: Thả nổi theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước.

Giai đoạn từ 02/6/2023 trở đi:

- Mức lãi suất theo thông báo của Tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương VN từng thời ký.

- Phương thức điều chỉnh lãi suất: Định kỳ 3 tháng/lần

Lãi suất cho vay nêu trên sẽ được Bên cho vay điều chỉnh và thông báo bằng văn bản cho Bên vay”.

Với những điều khoản như vậy trong hợp đồng và áp lực không ký thì mất tiền cọc đã đóng cho môi giới, chuyện nhiều khách hàng đến giờ mới “ngã ngửa” có phải là điều khó lý giải?

Quốc Tuấn