UBND TP.HCM chỉ đạo phải sớm bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Tân Hóa - Lò Gốm.

Trong số báo ngày 18-8, Pháp Luật TP.HCM phản ánh hàng chục căn nhà hư hỏng do quá trình thi công đường Phạm Văn Đồng. Tương tự, việc thi công đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng làm cho hàng trăm căn nhà hư hỏng.

Nơm nớp lo... sập!

Bà Lê Thị Mười (101/50 D9 Tân Hóa, phường 14, quận 6) đang tha thiết muốn được dời ra khỏi ngôi nhà sắp sập của mình nhưng đơn vị thi công không đồng ý hỗ trợ. “Căn nhà của tôi liên tục lún nứt từ năm 2013 khi công trình thi công ngang qua. Tôi đã có hẳn một cuốn nhật ký ghi lại các thời điểm xảy ra lún nứt, kèm theo đó là toàn bộ hình ảnh ghi lại những hư hỏng đó” - bà Mười cho biết.

Theo bà Mười, lần hư hại nặng đầu tiên xảy ra vào tháng 3-2013. Khi đóng cừ, lực lượng thi công đã để búa va chạm vào tầng trên căn nhà khiến khoảng 2 m2 tường bể vụn. Kể từ đó tường và cột nhà cứ nứt dần. “Có lần cây cừ rơi xuống gây chấn động làm nứt gạch nền từ trước ra sau. Nhà đã nghiêng nay lại càng nghiêng thêm. Vết nứt trên cột phòng khách càng rộng thêm, các đường ron dọc theo chân tường bị hở toàn bộ. Cửa giờ đóng không sát được nữa” - bà Mười ghi trong nhật ký.

Thấy căn nhà hư hỏng nặng, đại diện UBND phường 14 đề nghị bà làm đơn xin di dời khẩn cấp. Nhưng khi đến khảo sát, đơn vị thi công cho rằng nhà bà vẫn tạm thời ở được và cam kết “khi hoàn thành dự án sẽ sửa chữa như ban đầu. Trong thời gian đó nếu xảy ra sự cố, nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, đến nay dự án đã hoàn thành nhưng bà Mười vẫn chưa được bồi thường, giải quyết thỏa đáng.

“Tôi không hiểu nhà thầu căn cứ vào đâu mà bảo nhà tôi vẫn có thể ở được. Bởi kết quả kiểm định ngày 28-12-2014 của Công ty Cổ phần Kiểm định và Xây dựng Sài Gòn (đơn vị kiểm định độc lập do UBND phường 14 giới thiệu, nhà thầu và bà Mười đồng ý chọn) đã ghi rõ nhà nghiêng, nứt, lún quá tiêu chuẩn cho phép. Đề nghị di dời vì không thể sử dụng được nữa” - bà Mười bức xúc.

{keywords}

Vết nứt trên tường nhà bà Lê Thị Mười ở 101/50 D9 Tân Hóa có thể thò cả bàn tay vào. Ảnh: V.HOA

Đã được hỗ trợ vẫn liều ở lại

Trong căn nhà của chị Lê Thị Thùy Dương (275/9 Đặng Nguyên Cẩn, phường 14, quận 6), tất cả tường, đà đều nứt toác, nền nhà sụt lún do sụp cát ở dưới. Gia đình chị phải dùng cây để chống đỡ phần đà giữa phòng ngủ và phòng khách, dùng nẹp sắt để giữ không cho các mảng tường rơi xuống, thậm chí dùng… băng keo che những vết nứt trên nền nhà.

Gia đình chị Dương đã được đơn vị thi công hỗ trợ mỗi tháng 5 triệu đồng để thuê nhà ở tạm nhưng vẫn nấn ná ở lại. “Dù biết ở lại là rất nguy hiểm nhưng vì khó khăn quá, tôi muốn dành dụm số tiền hỗ trợ để gộp với tiền bồi thường xây lại nhà mới. Gia đình đã làm cam kết tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố” - chị Dương giải thích.

Thấy căn nhà quá nguy hiểm, chúng tôi khuyên chị nên sớm rời khỏi đây để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả gia đình. Chị Dương do dự một lúc rồi hứa sẽ đi tìm nhà trọ trong nay mai, chỉ mong muốn đơn vị thi công nhanh chóng chi trả bồi thường để sớm xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

94 căn nhà có nguy cơ...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Minh Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 6, cho biết tổng số căn nhà có nguy cơ sụp đổ do quá trình thi công dự án Tân Hóa - Lò Gốm là 94 căn. Trong số này hiện còn 39 căn nhà thầu đang hiệp thương để bồi thường cho dân. Những trường hợp này, các phường đã vận động người dân ra ngoài thuê nhà ở. “Trong các cuộc họp về công tác bồi thường, các phường đều khẳng định không có trường hợp nào muốn di dời mà không được giải quyết” - ông Hùng nhấn mạnh.

Khi chúng tôi nêu trường hợp cụ thể của bà Mười và một số hộ dân tại phường 14, ông Hùng đề nghị cung cấp địa chỉ để quận xuống kiểm tra ngay.

Cũng theo ông Hùng, đa phần nhà thầu tích cực trong việc giải quyết bồi thường cho người dân nhưng cũng có một số nhà thầu không hợp tác. “Có nhà thầu khi người dân phản ánh sự cố hư hỏng, phường gọi điện thoại thì họ không đến hoặc không nghe máy. Phường phải nhờ chủ đầu tư can thiệp thì mới được giải quyết” - ông Hùng nói.

Được biết UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND quận 6, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP (gọi tắt là ban quản lý) đến cuối tháng 7-2015 phải hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay công tác này vẫn chưa hoàn thành và ban quản lý đã có văn bản xin gia hạn đến hết tháng 8.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 6 cho hay để đảm bảo tiến độ nêu trên, quận 6 đã có văn bản yêu cầu UBND các phường và chủ đầu tư lập kế hoạch chi tiết về công tác bồi thường. Giám đốc ban quản lý, ông Lê Thanh Liêm, cho biết thêm các nhà thầu cũng đã cam kết sẽ hoàn thành công tác bồi thường đúng hạn.

“Đến thời điểm này, tổng số tiền bồi thường các nhà thầu đã chi trả là hơn 29 tỉ đồng. Tuy nhiên, có tình trạng nhà thầu chậm thanh toán tiền bồi thường như phản ánh của địa phương và người dân. Chúng tôi đã nhắc nhở nhà thầu chấn chỉnh” - ông Liêm nói.

Nhà thầu ém kết quả kiểm định?

Thời gian qua, nhiều hộ dân có nhà hư hỏng do quá trình thi công dự án Tân Hóa - Lò Gốm đã đồng ý nhận tiền bồi thường. Nhưng cũng còn nhiều trường hợp chưa nhận tiền vì cho rằng mức bồi thường chưa thỏa đáng.

Bà Lê Thị Mười ban đầu được bồi thường 60 triệu đồng. Bà Mười không đồng ý và sau nhiều lần thương lượng, nhà thầu trả lên 75 triệu đồng. “Nếu xây mới căn nhà tôi phải mất hơn 340 triệu đồng. Tôi không đòi phải bồi thường 100% giá trị căn nhà mới xây nhưng số tiền bồi thường phải hợp lý. Tôi đề xuất không nhận 75 triệu đồng mà yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa lại căn nhà y như hiện trạng ban đầu nhưng họ không chịu” - bà Mười cho biết.

Cũng theo bà Mười, trước đó hai bên đã thống nhất chọn một đơn vị kiểm định độc lập để kiểm định căn nhà, làm cơ sở để tính bồi thường. Tuy vậy, sau đó bà không được cung cấp kết quả kiểm định. Gọi điện thoại hỏi công ty kiểm định, bà được trả lời họ đã giao kết quả cho đơn vị thi công. “Do vậy tôi không biết nhà thầu căn cứ vào đâu để tính bồi thường. Ở đây nhiều hộ khác cũng bị tương tự. Ai làm dữ thì được bồi thường thêm chút đỉnh, còn không thì họ cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu” - bà Mười nói.

Về thông tin này, ông Liêm cho biết sẽ kiểm tra, xác minh ngay để có cơ sở làm việc với nhà thầu.

Theo Báo pháp luật