Nắng nóng ai cũng ngại đi làm, ngại ra đường... nhưng với hàng chục con người phải chen nhau sống trong khoảng không gian chưa đầy 20m2 thì rời khỏi nhà để đi làm thực sự là... lối thoát họ cần, khi mặt trời lên.

Ở thủ đô Hà Nội, nhà chật người đông, hay nhà siêu mỏng siêu méo, chen chúc nhau sống trong những khu tập thể, ngõ ngách bé tí hin đã là điều quá quen thuộc từ hàng chục năm nay. Càng xa trung tâm thì dân cư tập trung càng thưa, nhưng khu ngoại thành khá xa và không đông vui bằng nội thành, nên dù chính quyền đã cố gắng cơi nới diện tích ở, phân bố lại các khu quá tải người sinh sống thì những ngôi nhà cũ kỹ chật chội nơi phố cổ, ngõ ngách… vẫn tồn tại cùng hàng trăm nghìn con người cố lách nhau mà ăn ngủ, sinh hoạt.

Căn nhà này ở khu Quan Nhân (Cầu Giấy, Hà Nội), có 3 tầng nhỏ xíu nhưng là nơi sinh sống của… 6 hộ gia đình, với khoảng 20 người thường xuyên sinh hoạt tại đây. Chị Chi, chủ căn nhà là tiểu thương ở chợ Quan Nhân. Chị đồng ý cho chúng tôi tham quan nơi sinh sống của mấy chục con người, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn ghi hình chị thì bà chủ trẻ ngại ngùng lắc đầu, quay lưng vội vã trở về gian hàng nhỏ. Thế là chúng tôi phải tự mò mẫm trong căn “tập thể mini” tầm 20m2.

{keywords}

Căn nhà sâu trong ngõ chợ Quan Nhân, dân cư đông đúc xung quanh nên ban ngày vẫn tối như hũ nút.


{keywords}

6 hộ gia đình ở đây đều là dân lao động, thuê nhà chị Chi để làm nơi tá túc tạm bợ. Người đông nên đồ đạc lộn xộn, lỉnh kỉnh, phần lớn là đồ bán hàng ở chợ.


{keywords}

Bao nhiêu gia đình là bấy nhiêu cái xe máy, kê sát vào nhau không còn một kẽ hở. Hàng tỉ thứ đồ khác từ đồng nát đến mâm bát cứ chỗ nào kê được là tranh thủ nhồi nhét, đặt để lung tung.


{keywords}

Ban ngày, mọi người đều đi làm hết nên căn nhà khá vắng lặng. Chân cầu thang ngổn ngang dép guốc, giá đựng đồ, tận dụng từng xăng ti mét đất.


{keywords}

Cầu thang gỗ ọp ẹp, vừa hẹp vừa dốc, chỉ vừa 1 người đi qua, tuổi đời hàng chục năm, bao nhiêu người lớn trẻ nhỏ trong nhà hàng ngày đi lại nhiều nên bậc thang mòn vẹt, bạc thếch.


{keywords}

Mỗi tầng nhà có 2 phòng lớn, chung nhà vệ sinh bé như lỗ mũi. Mỗi phòng là 1 hộ gia đình, không gian sinh hoạt quá chật chội nên đồ đạc, xô chậu, bếp núc đều phải xách ra hàng lang.


{keywords}

Chỗ đặt bếp là chiếu nghỉ hành lang cũng quá bé, chỉ khoảng 1m2, nên phải tháo kính cửa, luồn dây gas vào bình gas... đặt trong phòng. Dù mùa hè quá nắng quá nóng, nhưng ngôi nhà không lắp được điều hoà nên rất ngột ngạt, bí bách, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều phải rời đi vào ban ngày.


{keywords}

Gia đình chị Chi sống ngay ở tầng 1, chỗ đặt bếp còn rộng rãi sáng sủa hơn chút đỉnh, song vẫn phải tận dụng các gầm các ngách để đựng đồ, nồi niêu...



Không đến nỗi sống ở nơi tối tăm cũ kỹ như nhà chị Chi, nhưng nhà anh Bách (phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng phải bon chen nhau 6 hộ gia đình trong con ngách xe đạp đi chẳng lọt. Cả dãy sát nhà anh trung bình mỗi hộ là 7m2/ căn. Gia đình anh có 4 người ở trong căn nhà 14m2, xây kiểu cũ nên trần nhà, cửa, cầu thang cái gì cũng thấp, kê đồ đạc khó và bí bách không gian.

{keywords}

{keywords}

Nhà anh Bách nằm trong khu căn hộ kiểu tập thể cũ trên phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống. Lối vào nhà anh tuy sạch sẽ nhưng bề ngang chỉ khoảng 50cm.


{keywords}

Nhà nào nhà nấy sát sàn sạt, có khi một hộ mở tivi cả ngách đều nghe thấy. Không gian sống của gia đình anh Bách quá nhỏ nên cái cửa ra vào cũng phải "chế" sang dạng kéo ngang, vì mở ra mở vào như kiểu cũ là... đập ngay vào bàn thờ đối diện lối đi chính.


{keywords}

Bố anh Bách đã gần 60 tuổi, bao nhiêu năm sống trong căn nhà nhỏ xíu bác bảo quen rồi, đôi khi sinh hoạt chung bất tiện nhưng hàng xóm đều hiểu và thông cảm cho nhau. May mà nhà bác "ít" người, chứ hộ bên cạnh còn... đông gấp đôi.


{keywords}

Phòng riêng trong nhà anh Bách chỉ đủ kê cái tủ quần áo, không có chỗ kê giường, tận dụng tất cả khoảng trống để nhồi nhét đồ đạc linh tinh, đến cái... máy bơm nước cũng để trong phòng.


{keywords}

Song, khó có thể gọi đây là phòng ngủ riêng tư, bởi trong góc còn chiếc thang nhỏ lên... gác xép phía trên, dành cho một thành viên khác trong gia đình nữa.


{keywords}

Nhà chật, chẳng có bếp riêng, gia đình anh Bách chia nhau khoảng sân chung với 6 hộ khác xung quanh, nên mặt đất la liệt nồi cơm, xoong chảo, gia vị, gạo, các loại hộp, rổ rá, xô chậu...


{keywords}

Bậc cầu thang chung được dùng làm chỗ rửa bát ngoài trời, ngồi cũng vướng, nhưng phố cổ mà, đành chịu thôi. Mùa hè nắng hầm hập, người khác thì ghét tới chỗ làm nhưng với người dân ở đây thì rời nhà đi làm là một điều hạnh phúc, bớt ngột ngạt, nóng chảy mỡ, ra vào đụng chạm nhau không tránh được.


{keywords}

Những con ngách bé tí xe đạp đi qua không vừa như ở đây là "đặc sản" của Hà Nội, nhất là khu phố cổ. Bất tiện nhưng hàng trăm nghìn người dân thủ đô cũng quen, đi xa lại thấy nhớ cảm giác chật chội bon chen mỗi ngày.


{keywords}

Đối với anh Bách và mọi người trong khu nhà tí hon của anh, có lẽ khoảng sân giếng này là chỗ được yêu thích nhất, vì nó thoáng mát, rộng rãi nhất, còn hơn căn hộ 7m2 mà họ vẫn đang phải chen nhau sống mỗi ngày.


Theo Trí thức trẻ