Không có nhiều kinh nghiệm về đất cát nhưng nhờ tư duy "liều làm những thứ người khác không dám làm", anh Đình Quân đã có khởi đầu thành công trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Sau 2 phi vụ suôn sẻ, chỉ hơn 1 năm, bất chấp dịch bệnh, anh có lãi gần 1 tỷ đồng.

Anh Đình Quân và vợ đều sinh năm 1990, cùng quê ở Bắc Ninh, lên Hà Nội học tập rồi làm việc luôn tại đây. Đầu năm 2019, với số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng khoảng 600 triệu, vợ chồng anh  muốn mua một miếng đất ở Đông Anh. Tuy nhiên, do xác định mua đất để bán kiếm lời nên sau nửa năm tìm kiếm, hai vợ chồng chưa ưng miếng nào bởi giá chưa "đẹp". Mãi đến tháng 7 âm lịch, vợ chồng anh thấy có người rao bán một mảnh đất nở hậu hơn 70m2 ở Hải Bối, Đông Anh với giá chỉ 800 triệu đồng - rẻ hơn mức chung của thị trường khá nhiều nên liên hệ thì được biết, do làm ăn thua lỗ, người này cần bán gấp. Lúc đó, sổ đỏ của mảnh đất vẫn đang cầm cố ở ngân hàng.

{keywords}
Sau 2 lần mua nhà đất bán gấp giá rẻ suôn sẻ, chỉ hơn 1 năm, bất chấp dịch bệnh, anh Quân có lãi gần 1 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Xác định giá quá hời, vợ chồng anh Quân xin ảnh thông tin pháp lý mảnh đất, đồng thời nhanh chóng đi "dò la" thông tin về miếng đất cũng như chủ đất trên. Sau đó, lấy lý do tháng "cô hồn", anh tiến hành thương lượng, chủ đồng ý giảm thêm 50 triệu nữa. Cái khó lúc này là chủ đất yêu cầu anh phải đặt cọc luôn 400 triệu đồng để họ có tiền rút sổ khỏi ngân hàng.

"Đối với vợ chồng tôi, đây là khoảng thời gian "cân não". Sổ đỏ bản gốc vợ chồng chưa "mục sở thị" nên hoàn toàn không biết lời người đàn ông này nói có đúng không. Chưa kể số tiền đặt cọc quá cao so với giá trị mảnh đất đang giao dịch. Giá bán lại rẻ. Vợ chồng tôi sợ đây là một bẫy lừa những người ham rẻ", anh nhớ lại.

Để "chắc ăn", vợ chồng anh Quân đã hỏi chủ đất về tên và chi nhánh ngân hàng mình cắm sổ. Vận dụng hết mọi mối quan hệ, anh đã nhờ được một người ở ngân hàng đó kiểm tra thông tin và được báo về đúng là sổ đang cắm. Có được tin tức này, anh Quân đồng ý đặt cọc, không viết tay mà hai bên phải ra văn phòng công chứng.

Thời khắc cầm cuốn sổ đỏ đã sang tên vợ chồng mình, anh Quân mừng rơn. Hai tháng sau đó, anh "sang tay" cho người khác mảnh này với giá 1,2 tỷ. Trừ đi các chi phí, chỉ trong vài tháng, vợ chồng anh lãi 300 triệu đồng và ấp ủ ý định dùng số tiền này để đầu tư mảnh khác.

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất ở Việt Nam, người thân ở quê báo lên, gần nhà có mảnh đất mặt đường lớn đang bán với giá 2,1 tỷ đồng. Người bán cũng là dân đầu tư, tranh thủ mua đất đợt dịch để có giá hời nhưng do yếu vốn, phải vay ngân hàng và vay ngoài lãi nóng, giờ gánh nặng nợ nần, kinh doanh thua lỗ nên muốn bán sớm để cắt lỗ. Khu vực đó đất vẫn đang lên từng ngày, nhận ra cơ hội tốt, vợ chồng anh Quân dùng tiền bán đất lần trước, vay mượn họ hàng hai bên thêm 500 triệu, phần còn thiếu vay ngân hàng để mua mảnh đất này với giá 2 tỷ. Cũng như lần trước, anh phải đặt cọc một khoản tiền to để chủ đất có chi phí giải chấp sổ.

Đến nay, đã có người trả anh mảnh đó 2,6 tỷ, vợ anh muốn bán để trả hết nợ nần, số tiền còn lại tìm mua một mảnh khác nhỏ hơn, phù hợp với số tiền sẵn có mà không phải vay mượn. Còn anh Quân thì chưa muốn bán, bởi với đà tăng giá "siêu tốc" ở khu vực này, anh dự đoán đến năm sau, mảnh đất sẽ có giá hơn 3 tỷ.

"Nếu bán ngay thời điểm này với giá 2,6 tỷ, vợ chồng tôi lãi luôn 600 triệu đồng. Cộng với tiền lãi từ bán mảnh trước, chỉ trong hơn 1 năm, chúng tôi lãi gần tỷ bạc. Nhưng tôi còn muốn hơn", anh Quân cười.

Anh Quân bảo, nhiều người đầu tư bất động sản thường mua bằng giá thị trường và hy vọng tương lai sẽ lên giá rồi bán. Riêng anh thì muốn lãi ngay từ khi mua, tức là mua giá rẻ, bán nhanh cũng đã có lãi ngay, nếu chờ đợi chỉ là để muốn có lãi cao hơn.

Tuy nhiên, theo anh Quân, để tìm được những mảnh đất, ngôi nhà "chuẩn pháp lý" mà chủ bán gấp giá rẻ không hề dễ. Chưa kể, người mua phải chấp nhận rủi ro, vì thường những bất động sản này đang được thế chấp ngân hàng hoặc cầm cố vay lãi nóng, khi xác định mua sẽ chưa được xem bản chính sổ đỏ ngay mà phải xuống tiền cọc trước. Vì thế, phải có những cách của riêng mình để thẩm định thông tin, tránh bị lừa đảo mất tiền cọc.

Thanh Thu (ghi)

Sai lầm lớn ngay lần đầu đổ tiền vào nhà đất liều ‘ôm’ gánh lỗ nặng

Sai lầm lớn ngay lần đầu đổ tiền vào nhà đất liều ‘ôm’ gánh lỗ nặng

Người mới bắt đầu kinh doanh bất động sản thường nghĩ mua đi bán lại nhà đất sẽ giàu có rất nhanh, lợi nhuận lớn. Đây là một ảo tưởng hết sức nguy hiểm khiến họ đối mặt nguy cơ thua lỗ, nợ ngập đầu.