Từ vật liệu chính

Đá là vật liệu phổ biến trong xây dựng, trong các công trình kiến trúc. Có lẽ, đây cũng là loại vật liệu nguyên thủy và lâu đời nhất.

Từ khoảng những năm 2560 trước công nguyên, người Ai Cập đã sử dụng tới 5,9 triệu tấn đá xếp chồng lên nhau để tạo nên Kim tự tháp Cheops mà không cần bất kỳ vật liệu kết dính nào. Đền Taj Mahal - một trong 7 kỳ quan thế giới cũng được xây bằng đá cẩm thạch trắng với nhiều loại đá quý được mang từ nhiều nơi trên thế giới. Cung điện Mùa Đông, hay nhà thờ thánh Issac tại Nga cũng gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự sang trọng, tráng lệ với trần, cột, sảnh bằng đá kết hợp cùng đá quý tự nhiên như Malachite, Lapis Lazuli…

Theo thời gian, đá không chỉ là vật liệu thông thường tạo nên các công trình, người ta ngày càng ứng dụng đá nhiều hơn với các mục đích khác nhau, trong đó không thể không kể đến việc dùng đá để trang trí và dùng đá như một cách thức kích hoạt năng lượng tốt cho không gian sống.

Những công trình trên tuy khác nhau về thời đại, về phong cách kiến trúc, nhưng mang điểm chung ở việc sử dụng đá như vật liệu chủ đạo trong những hạng mục như ốp tường, lát cầu thang hay tạo thành những điểm nhấn ấn tượng. Ngày nay, ngay trong chính không gian sống thường ngày, người ta dùng nhiều loại đá phong thủy với mục đích kết hợp trang trí và trấn yểm, kích phong thủy cho ngôi nhà. Có thể kể tên một số loại đá phong thủy phổ biến như: Thạch Anh Tím, Mắt Hổ, Peridot, Mã Não, Thạch Lựu Ngọc, Jasper (Ngọc)…

Đến vật liệu phong thủy

Thường đá phong thủy là loại đá được hình thành trong lòng đất, trải qua hàng triệu năm hấp thụ năng lượng là tinh hoa của trời đất, vì thế mà bản thân chúng mang nguồn năng lượng có tác động tích cực tới con người.

Nhìn chung, các loại đá phong thủy có tác dụng kích hoạt năng lượng tốt, giúp tăng vượng khí, gìn giữ sức khỏe tốt, mang đến may mắn, làm ăn phát đạt, giúp gia đình êm ấm…

Hiện nay, nhiều người vẫn tin rằng, Thạch Lựu Ngọc hay Thạch Anh Hồng giúp cung cấp năng lượng cho tình yêu và gìn giữ hôn nhân. Trang sức gắn đá Citrine - Thạch Anh Vàng mang đến những may mắn trong kinh doanh, tài chính, bởi Citrine vốn được mệnh danh là “viên đá của thương gia”, chiêu tài lộc. Trong khi đó, đeo đá Mắt Hổ được cho là giúp chủ nhân tăng cường sự tự tin và dũng khí hơn hẳn; còn Mã Não giúp người tăng cường sức khỏe, giao tiếp, ăn nói lưu loát hơn.

ảnh 1

Đền Taj Mahal. Ảnh: Shutterstock

Trang sức gắn đá Topaz giúp giảm căng thẳng, stress, bởi đá Topaz có khả năng cải thiện các vấn đề về tâm lý, xua tan mệt mỏi, ưu phiền. Còn muốn cầu bình an, người ta thường chọn đá Aquamarine. Tương truyền theo truyền thuyết của người châu Âu, đá Aquamarine mang nguồn gốc từ kho báu của nàng tiên cá, rất có lợi cho người đi biển tránh khỏi sóng gió, bão táp.

Đá phong thủy có nhiều loại, chỉ riêng một loại như Thạch Anh cũng có rất nhiều “dòng” khác nhau, như: Thạch Anh Tím, Thạch Anh Vàng, Thạch Anh Hồng, Thạch Anh Tóc Xanh, Thạch Anh Dâu Tây, Thạch Anh Đen… Riêng về Thạch Anh cũng được phân chia màu sắc hợp với Ngũ hành như sau: Thạch Anh màu trắng hợp với những người có bản mệnh ngũ hành cần Kim và Thủy; Thạch Anh màu xanh (tóc xanh) hợp với người có ngũ hành cần Mộc và Hỏa; Thạch Anh Vàng hợp với những người có ngũ hành cần Thổ và Kim; Thạch Anh có màu hồng, tím, dâu tây phù hợp với những người có ngũ hành cần Hỏa và Thổ; Thạch Anh màu đen phù hợp với những người có ngũ hành cần Thủy và Mộc.

Về bản chất, khi người ta dùng ngũ hành để trấn yểm thì các loại đá quý khi được dùng để trấn yểm gọi là Thổ trấn, không những có giá trị trong phong thủy mà còn có giá trị rất lớn trong tâm linh. Với những người thấy có năng lực cao, khi kết hợp với các loại đá có năng lượng mạnh thì hiệu quả cũng rất lớn.

Tác dụng của đá phong thủy

Chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông khẳng định, đá phong thủy tương tác không hề nhỏ tới năng lượng của một khu đất hay một ngôi nhà và ảnh hưởng trực tiếp tới con người theo từng cấp độ theo từng loại khác nhau.

Hiện nay, các biệt thự sang trọng hay chung cư cao cấp thường được chủ nhân ốp đá cả ngoài và trong nhà, thay cho việc dùng sơn và giấy dán tường có độ bền theo thời gian không nhiều.

Xu hướng ngày càng phổ biến là sử dụng tấm ốp lát đá phong thủy kết hợp với đá tự nhiên như một vật liệu ốp lát giúp tăng tính thẩm mỹ và sang trọng, hơn nữa tăng tuổi thọ cho công trình. Bên cạnh các mục tiêu trên, tấm ốp lát đá phong thủy còn được coi như một yếu tố góp phần tạo nên thịnh vượng phong thủy cho các công trình.

Xu hướng sử dụng đá phong thủy để ốp và trang trí công trình

Với các công trình nhà ở, các tấm ốp lát đá phong thủy (trong đó tấm ốp lát Thạch Anh, Conslab Thạch Anh là một loại) được dùng vị trí nào thì đẹp về kiến trúc và có giá trị cao trong phong thủy? Đây là câu hỏi của không ít người.

Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, khi nói về phong thủy, chúng ta có ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bất kể thành phần ngũ hành nào cũng có tinh túy và được trời đất cùng thiên nhiên và tạo hóa kết tinh tạo thành, sự tinh túy cũng phân thành cấp độ khác nhau.

ảnh 2

Chẳng hạn, về Kim thì có Vàng là tinh túy và có giá trị từ cả nghìn năm nay, ngoài ra, cũng có kim loại giá trị thấp. Ngay kể cả Mộc cũng vậy, có những cây thuốc quý là tinh hoa của trời đất và cũng có cây gỗ quý có giá trị rất lớn trong đời sống, nhưng cũng có cây chẳng có giá trị gì…

Đá là một trong các thành phần tinh túy của thổ. Đá cũng có loại chẳng có giá gì, cũng có loại có giá trị vừa phải và dùng trong xây dựng nhà, nhưng có những loại đá có giá trị cao dùng trong ốp lát. Đương nhiên, đá dùng trong phong thủy là loại đá quý hiếm, thậm chí có những loại đá vừa dùng trong tâm linh và phong thủy, vừa dùng cả trong Đông y là Thần sa và Chu sa…

Cũng như trong y học, thuốc nào cũng quý và có giá trị, ý nghĩa rất lớn, nhưng phải dùng đúng bệnh và dùng theo cơ địa của từng người, đá phong thủy cũng vậy, đều là đá tốt, có năng lượng lớn, nhưng chúng ta phải biết dùng từng loại đá hợp với từng lô đất và đặt từng phương vị khác nhau và hợp theo từng bản mệnh của mỗi người.

Theo tinnhanhchungkhoan