Để huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ đô thị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả đầu tư, TP. Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư các dự án trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.

Tóm tắt:

- Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị có liên quan làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết theo quy định.

- UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện.

{keywords}

Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với TP. Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài.

Về quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị có liên quan làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết theo quy định.

Phương án quy hoạch hai bên tuyến đã được tổ chức thi tuyển quốc tế; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định; báo cáo xin ý kiến và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hồ sơ quy hoạch chi tiết do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tổ chức lập, cơ bản được hoàn thành, đã lắp đặt mô hình để xem xét, thẩm định, phê duyệt.

Nội dung chính của đồ án quy hoạch gồm: Ranh giới và quy mô; quy hoạch sử dụng đất với chiều dài gần 12km, diện tích khoảng 2.000 ha (chia làm 4 đoạn); tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Để huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ đô thị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả đầu tư, TP. Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư các dự án trong quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt và quy hoạch chi tiết đã báo cáo, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện.

Đề nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư. Đề nghị Chính phủ cho phép huy động từ nguồn vốn vay ưu đãi, ODA, vốn nhàn rỗi tại kho bạc cho đầu tư hạ tầng (trường hợp thiếu sau khi cân đối nguồn vốn).

Bên cạnh đó, UBND Thành phố đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định cho phép áp dụng xác định giá sàn quyền sử dụng đất sát giá thị trường trên cơ sở quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt trước khi Thành phố tiến hành lựa chọn nhà đầu tư…

Về quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài

Về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân, Thủ tướng nhấn mạnh phải chủ động thu hồi đất. Nhà nước đứng ra thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, tinh thần là tái định cư tại chỗ. Trách nhiệm của Chính phủ cùng các Bộ, ngành chức năng và TP Hà Nội phải tính toán được nguồn vốn dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 11.000 tỷ đồng; tiếp đó tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn (nguồn ODA, vốn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ, nguồn của địa phương, nguồn BOT).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, khi có mặt bằng, có hạ tầng, việc thu hút đầu tư phải đa dạng (đấu thầu, chào thầu, lựa chọn nhà thầu…), đồng thời phải xác định rõ và phải tùy theo dự án.

Về giá đất, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc là giá thị trường, tính theo mục đích sử dụng, nhưng cũng cần linh hoạt, tùy dự án.

Theo Chinhphu.vn