Tập đoàn Sơn Hải đã khảo sát và biết được nguyên nhân dẫn đến hằn lún tại QL5, để tiến hành sửa chữa, đưa vào sử dụng.

Sau khi khảo sát, Tập đoàn Sơn Hải đã đồng ý đảm nhận sửa chữa hằn lún trên tuyến QL5 theo đề nghị của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 12/8, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hải cho biết, sau khi khảo sát trên thực địa, Tập đoàn Sơn Hải đồng ý đảm nhận sửa chữa QL5.

Ông Minh cho biết: “Qua khảo sát trực tiếp tại gói thầu số 11 đoạn Km94-Km104+600, chúng tôi nhận thấy toàn bộ bề mặt bị hằn lún vệt bánh xe kéo dài hơn 10km. Hiện nay, Tập đoàn đã tiếp nhận sửa chữa 10,5km đường bị hằn lún".

{keywords}

QL5 vẫn bị hằn lún sau nhiều lần sửa chữa

Về việc, tuyến đường này cũng đã được nhà thầu cũ sửa chữa nhiều lần, ông Minh cho rằng, do nhiều nguyên nhân: "Thứ nhất, lưu lượng xe vận chuyển qua tuyến đường này cực kỳ lớn, tải trọng vô cùng lớn, vượt cả tiêu chuẩn cho phép.

Thứ hai, trước đây nhà thi công cũ đã cào bóc quá mỏng, dù sửa chữa lại nhưng vẫn chỉ trải thảm lại 3-4cm nên không thể chịu được trọng tải lớn, dù nhà thầu nào đảm nhận mà vẫn giữ nguyên kỹ thuật cũng không thể có kết quả tốt hơn".

Theo ông Minh, Tập đoàn Sơn Hải sẽ cào bóc toàn bộ khối lượng thảm bê tông nhựa gói 11 của các nhà thầu trước đây đã thi công. Sau khi cào bóc 7cm xong sẽ thảm lại bê tông nhựa, chia thành hai lớp, lớp một dày 5cm, lớp hai dày 6cm.

Theo kinh nghiệm của Tập đoàn Sơn Hải việc sửa chữa theo phương pháp này sẽ đảm bảo được chất lượng và Tập đoàn Sơn Hải sẽ cam kết bảo hành 4 năm theo đúng quy định của Bộ GTVT.

Còn tại những vị trí nền đất yếu, Tập đoàn sẽ xử lý phần nền, nếu nền đảm bảo thì mới trải thảm.

"Ngày 28/7, chúng tôi sẽ điều toàn bộ thiết bị, máy móc từ Quảng Bình ra, vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa cũng đang được khẩn trương chuẩn bị và ngày 15/8 sẽ bắt đầu triển khai thi công”, ông Minh nói.

Mặt khác, theo ông Minh, vật liệu nếu vận chuyển từ Quảng Bình ra thì giá sẽ đội cao, nên công ty đành phải lấy tại địa phương, nhưng sẽ kiểm soát chất lượng từng loại vật liệu, cho đến các tỷ lệ vật liệu.

Thời gian hoàn thành dự kiến là ngày 30/10, giai đoạn này chuẩn bị vào mùa mưa nên tiến độ cũng phụ thuộc thời tiết. Về chi phí sửa chữa thì sẽ theo định mức của Bộ GTVT ban hành.

Chắc chắn sẽ không còn hằn lún

"Chúng tôi hoàn toàn tự tin, sau khi sửa chữa sẽ không có chuyện hằn lún xảy ra. Để làm được điều này thì từ vật liệu, con người, quá trình thi công, thiết bị tất cả đều phải đảm bảo chất lượng tốt nhất", ông Minh khẳng định.

Trước đó, là người quản lý trực tiếp dự án, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đồng ý áp dụng giải pháp của Tập đoàn Sơn Hải, đồng thời giao Viện Khoa học công nghệ GTVT giám sát trong quá trình Tập đoàn Sơn Hải sửa chữa.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng yêu cầu Tập Đoàn Sơn Hải tiến hành làm thử một đoạn nhất định, sau đó lấy mẫu đưa đi kiểm tra độ hằn lún.

Bên cạnh đó, hiện nguồn vốn dư của Dự án còn lại 40 tỷ đồng nếu sửa theo phương án của Tập đoàn Sơn Hải đề xuất, phải mất khoảng hơn 100 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn, vì vậy, phải lập một dự án mới, trình tự thủ tục vẫn phải theo quy định đầu tư dự án.

Tại cuộc họp bàn về triển khai sửa chữa hằn lún QL5 mới đây do Tổng cục Đường bộ VN tổ chức, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, tuyến đường đã quá ngưỡng chịu tải về lưu lượng xe, dẫn đến việc hằn lún của các gói thầu 9, 10, 11.

Khác với hai gói còn lại thi công theo công nghệ cào bóc tái chế, gói thầu số 11 chỉ thảm bảo trì 5cm theo phương pháp truyền thống để chống thấm nước xuống mặt đường cũ. Vì vậy, khi xe quá tải lớn sẽ dẫn đến tình trạng mặt đường xấu và hằn lún nên buộc phải sửa chữa cấp bách để đảm bảo ATGT.

Về kinh phí sửa chữa, ông Huyện cho rằng, ngoài phần vốn dư 40 tỷ đồng, nếu không đủ, đề nghị Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) hỗ trợ thêm từ nguồn vốn thu phí QL5.

Ông Huyện cũng đề nghị, trong quá trình sửa chữa, Tư vấn giám sát cần giám sát chặt chẽ quy trình vật liệu đầu vào, nhập nhựa để sửa chữa phải đảm bảo chất lượng, xử lý triệt để hằn lún tại gói 11. Trong phạm vi đèn xanh đỏ, cho phép dùng phụ gia để tăng kháng hằn lún. Việc sửa chữa xong trước 15/8 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Theo Báo Đất Việt