Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hình thức kiến trúc của công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm.

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.Vị trí xây dựng khách sạn là một siêu thị của Công ty CP Intimex Việt Nam.

Trao đổi với Đất Việt về dự án khách sạn nói trên, KTS Trần Huy Ánh, Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có ý kiến rất rõ ràng về công trình này, đặc biệt, Hội đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội khuyến cáo về hình thức kiến trúc, giá trị mỹ thuật của công trình.

{keywords}

Tại vị trí của siêu thị Intimex (Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bây giờ sẽ mọc lên một khách sạn

Cụ thể, ngày 8/3, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội về công trình khách sạn và dịch vụ nói trên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét, hình thức kiến trúc của công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một di sản cấp quốc gia đặc biệt. Từ đây, Hội đồng Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến công trình tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ của Công ty CP Intimex Việt Nam và có ý kiến rằng:

Công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp. Tuy nhiên, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.

Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.

Nói thêm về công trình tại số 22-32 Lê Thái Tổ, KTS Trần Huy Ánh cho hay, bản chất của nó là một công trình thương mại. Siêu thị của Công ty CP Intimex Việt Nam trước đây đã cổ phần hóa - chuyển đổi sở hữu công thành tài sản tư nhân. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm thương mại hay khách sạn là việc của chủ đất, chức năng của nó chuyển đổi là làm thương mại hay khách sạn là việc của những người chủ đất.

"Chỉ có điều Hồ Gươm là khu vực khá nhạy cảm và được sự quan tâm của các cấp, các nhà chuyên môn, do đó cần bảo vệ cảnh quan kiến trúc có tính di sản và quỹ không gian Hà Nội. Bây giờ người ta nói nhiều về quỹ đất, trong đó chủ yếu là diện tích. Còn quỹ không gian ở đây bao gồm cả khối tích. Khối tích đã được quy định rất chi tiết trong các quy hoạch, điều lệ quản lý.

Đối với quy hoạch Hồ Gươm, Hà Nội chưa có quy hoạch chi tiết. Bộ Xây dựng và Chính phủ đã đưa ra những quy chế, ưu tiên để quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trước đây, đã có cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận rất rầm rộ và được giới kiến trúc sư quan tâm, không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế. Cuộc thi đã đưa ra những chỉ tiêu, giải pháp có tính gợi mở và có giá trị.

Nếu xét về kỹ thuật và mỹ thuật, bản chất lịch sử của Hồ Gươm và sự chú ý của các giới, các ngành cũng có nhiều, kinh nghiệm, kiến thức không thiếu. Có lẽ chúng ta không cần nghiên cứu quá nhiều về những vấn đề đó mà bây giờ chỉ cần thực hiện những cái cũ thôi đã tốt lắm rồi", KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.

Khi được hỏi về quan điểm của mình đối với công trình quanh Hồ Gươm, KTS Trần Huy Ánh kể lại câu chuyện: trước đây, khi có những người bóp tay lên trán nghĩ xem cần làm cái gì nữa ở quanh Hồ Gươm thì KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã nói một câu, đại ý rằng: hãy bóp trán suy nghĩ xem nên nhổ bớt cái gì thì tốt hơn bởi không gian trống quanh khu vực Hồ Gươm đã quá ít ỏi rồi.

Theo Báo Đất Việt