Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, ông Đoàn Hồng Phong vừa tổ chức tiếp một số đoàn công dân trên địa bàn Hà Nội gồm: Đoàn công dân thuộc Tổ 18E, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và đại diện 100 hộ dân tại Chung cư Việt Đức Complex (số 164, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân).

Đại diện công dân Tổ 18E phường Vĩnh Tuy đã khiếu nại Quyết định số 2483/QĐ-UBND ngày 29/6/2017 của UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) về việc giải quyết khiếu nại của 80 công dân liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy.

{keywords}
Công dân đề nghị làm rõ việc đổi 60ha đất lấy hạ tầng là 1,6km đường thông qua hợp đồng BT có gây thất thoát tài sản của Nhà nước? Để làm rõ việc này cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra toàn diện dự án (Ảnh: TTCP)

Đồng thời, công dân tố cáo các cán bộ liên quan đến sai phạm trong việc điều chỉnh tăng 3,22ha làm quỹ đất đối ứng thực hiện dự án không đúng với quy định của pháp luật, nằm ngoài giới hạn thu hồi đất theo Quyết định 4881/QĐ-UB ngày 18/7/2005. Việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1082/QĐ-UBND/2017 phê duyệt chỉ định thầu cho Công ty Vĩnh Hằng, không thông qua đấu thầu là không đúng quy định.

Công dân đề nghị làm rõ việc đổi 60ha đất lấy hạ tầng là 1,6km đường thông qua hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) có gây thất thoát tài sản của Nhà nước? Để làm rõ việc này cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra toàn diện dự án.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng của một số cơ quan, đơn vị liên quan, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã yêu cầu thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan ban ngành khẩn trương rà soát lại các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện điều chỉnh việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân; nếu cấp được thì cấp luôn cho những hộ dân không có vướng mắc; hoàn thành vào trước ngày 15/3/2022.

Về việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo lần 2 cho công dân, Tổng Thanh tra đề nghị Thanh tra thành phố Hà Nội tiến hành hoàn thiện và ban hành quyết định theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, không thể chờ có điều chỉnh quy hoạch mới giải quyết lần 2 được.

TP Hà Nội cũng cần rà soát lại các kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo xem đúng quy định pháp luật hay chưa và làm theo trách nhiệm của mình, nếu chưa đúng thì sửa, "sai đâu sửa đó".

Ông Phong giao Ban Tiếp công dân Trung ương và đơn vị liên quan rà soát và nghiên cứu tham mưu về các nội dung tố cáo mà Thanh tra thành phố Hà Nội đã làm. Nếu đối tượng tố cáo thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Tổng Thanh tra sẽ xem xét, báo cáo Trung ương.

{keywords}
Hà Nội chưa giao 6,6ha quỹ đất đối ứng giai đoạn 2 cho Bitexco, vì cho rằng quỹ đất 14,2ha giao cho nhà đầu tư xây dựng nhà thấp tầng để bán đã vượt giá trị công trình BT

Trước đó, Hà Nội giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt Công ty Vĩnh Hưng), thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng giao thông tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) với kinh phí là 1.373 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng- chuyển giao).

Năm 2017, UBND TP Hà Nội ký phê duyệt Quyết định đề xuất dự án. Theo đó, tuyến đường dài 1,65km, mặt cắt ngang từ 40-47,5m, tổng mức đầu tư khoảng 1.574 tỷ đồng.

Theo như quyết định này, nhà đầu tư được giao các khu đất gồm: Khu nhà ở Ao Mơ với tổng diện tích khoảng 22,9 ha đất; Các ô đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân Tổ 24, 25 diện tích khoảng 11,29ha.

Ngoài ra, Hà Nội cũng giao thêm 3 quỹ đất mà nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị Dự án BT và quỹ đất đối ứng gồm: Dự án Ao Cây Dừa có diện tích 0,52ha; Dự án khu sinh thái Vĩnh Hưng diện tích 11,9ha và Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì có diện tích khoảng 13ha.

Với tuyến đường gần 2km nhà đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng được Thành phố cho phép khai thác quỹ đất gần 60ha đất để hoàn vốn. Các khu đất trên để đối ứng cho nhà đầu được xem là "đất vàng" nằm tại các quận nội đô trung tâm như quận Hai Bà Trưng và chủ yếu là các phường của quận Hoàng Mai.

6 bộ, ngành vào cuộc về siêu dự án tỷ đô của Bitexco

Cũng liên quan đến dự án BT tại Hà Nội, vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có văn bản giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan và UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét, có ý kiến rõ về việc ký kết hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) đối với dự án khu đô thị Nam đường vành đai 3 (tên thương mại The Manor Central Park) đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng chưa?

{keywords}
Phần đất đối ứng làm khu đô thị The Manor Central Park được Bitexco xây dựng hàng chục dãy biệt thự, liền kề, shophouse... giao dịch trên thị trường có giá hàng chục tỷ đồng/căn

Đồng thời, có ý kiến tham mưu, đề xuất cụ thể về kiến nghị của Công ty CP Bitexco theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến dự án này, vào năm 2014, TP Hà Nội và Bitexco đã ký hợp đồng BT số 02, năm 2018 ký phụ lục hợp đồng số 06 về việc thực hiện dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hợp đồng BT.

Theo đó, nhà đầu tư được thu hồi vốn và lợi nhuận tại dự án The Manor Central Park với tổng quỹ đất đối ứng là 20,8ha trên tổng diện tích khu đất dự án là 65,8ha.

Việc giao đất cho Bitexco sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 giao 14,2ha, giai đoạn 2 giao 6,6ha. Quỹ đất này theo quy hoạch sẽ được Bitexco xây dựng nhà thấp tầng và chung cư thương mại để bán.

Nhưng đến nay, Bitexco cho biết, Hà Nội chưa thực hiện việc giao 6,6ha quỹ đất đối ứng giai đoạn 2 cho Bitexco, vì cho rằng quỹ đất 14,2ha giao cho nhà đầu tư xây dựng nhà thấp tầng để bán đã vượt giá trị công trình BT (giá trị dự án BT là hơn 1.550 tỷ đồng).

Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng mới đây, Bitexco cho rằng việc TP Hà Nội chưa hoàn thành việc giao đất giai đoạn 2 cho nhà đầu tư là chưa hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm như hợp đồng BT đã ký kết...

Đây cũng là dự án liên tục được điều chỉnh tiến độ. Dự án được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến tháng 5/2014 mới khởi công xây dựng. Theo đó, hợp đồng dự án kết thúc vào tháng 4/2017 (sau 36 tháng).

Đến ngày 25/6/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3830 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án. Trong quyết định này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND TP Hà Nội đã chấp thuận bổ sung thêm một số hạng mục: Nút giao, hệ thống thoát nước… và kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng từ 36 tháng theo hợp đồng ban đầu lên thành 54 tháng (tính từ tháng 5/2014), kết thúc vào tháng 11/2018.

Sau đó, Hà Nội tiếp tục “nới” hạn lên 67 tháng (thêm 13 tháng, kể từ tháng 5/2014). Như vậy, dự án BT của Công ty Bitexco đã 2 lần điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành dự án (từ 36 tháng lên 54 tháng rồi lên 67 tháng).

Trong khi dự án BT liên tục “nới” tiến độ thì phần đất đối ứng làm khu đô thị The Manor Central Park được Bitexco xây dựng hàng chục dãy biệt thự, liền kề, shophouse... giao dịch trên thị trường có giá hàng chục tỷ đồng/căn.

Liên quan đến dự án BT đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, trước đó, Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án BT, BOT trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó chỉ rõ những vi phạm tại dự án.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu do năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém, không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền 12,17 tỷ đồng. Đồng thời, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác do tính sai khối lượng; áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền 15,9 tỷ đồng.

Cũng nêu tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho biết: Một số nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án trong khi có năng lực về tài chính hạn chế, không đảm bảo như Công ty CP Tasco đối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An.

Thuận Phong

Hà Nội tiếp tục đổi 60ha đất ‘vàng’ lấy hơn 1,6km đường

Hà Nội tiếp tục đổi 60ha đất ‘vàng’ lấy hơn 1,6km đường

Tuyến Minh Khai -Vĩnh Tuy -Yên Duyên gần 2 km nhưng nhà đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng được Hà Nội cho phép khai thác quỹ đất khủng gần 60 ha đất để kinh doanh hoàn vốn