Mặt đường được nâng cao nhất 1,2m

Có chiều dài khoảng 3.7km, đường Nguyễn Hữu Cảnh nối giữa Q.Bình Thạnh và Q.1, TP.HCM. Đưa vào sử dụng từ năm 2002 với kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và chỉnh trang đô thị, tuy nhiên con đường huyết mạch này đã nhiều lần xuống cấp và còn được xem là “rốn ngập” của Thành phố. 

{keywords}
Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn. 

Nhiều năm qua, đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xảy ra tình trạng ngập nặng mỗi khi trời mưa, do đó UBND TP.HCM đã phải thuê máy bơm để chống ngập. Vì đây không phải là giải pháp xử lý dứt điểm nên TP.HCM đã tiến hành cải tạo, nâng cấp một lần nữa.

{keywords}
Tuyến đường này được xem là “rốn ngập” của TP.HCM. 

Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường này do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến 473 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 317 tỷ đồng. Dự án khởi công từ ngày 5/10/2019 và dự kiến hoàn thành sau 14 tháng.

Theo chủ đầu tư dự án, khi nâng cấp, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cao thêm từ 0,3m đến 0,5m so với trước đây. Riêng tại khu vực từ toà nhà The Manor đến chân cầu Sài Gòn, mặt đường phải nâng lên 1,2m. 

{keywords}
Mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh đang được nâng cao, nơi cao nhất lên đến 1,2m so với trước đây.

Mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cao đồng nghĩa với gần 70 căn nhà của người dân hai bên đường có cốt nền thấp hơn từ 0,3m đến 0,5m. Điều này khiến người dân vô cùng lo lắng bởi đường sẽ hết ngập nhưng nhà của họ nguy cơ trở thành “rốn ngập” mới.

Lo nhà thành “rốn ngập” mới

Bà Lan (ngụ số 179A, P.22, Q.Bình Thạnh) cho biết, trước đây nền nhà của bà cao hơn so với mặt đường khoảng 0,4m. Thế nhưng hiện tại khi mặt đường nâng lên thì nền nhà bà đã thấp hơn khoảng 0,6m. Vì không có tiền nâng nền nên gia đình bà Lan đã xây tạm gờ chắn để tránh tình trạng nước mưa tràn vào nhà. 

{keywords}
Nhiều căn nhà có nền thấp hơn mặt đường khi nâng cấp. 

Không chỉ vậy, tường nhà bà Lan còn xuất hiện những vết nứt chạy dài. Theo bà Lan, những vết nứt trên tường là do quá trình thi công dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh. Không riêng gì nhà của bà, việc đào đường và đóng cọc còn ảnh hưởng đến kết cấu của nhiều căn nhà lân cận.

{keywords}
Gia đình bà Lan phải xây gờ ngăn nước mưa tràn vào nhà. 

Chung nỗi lo lắng, gia đình ông Hùng sống trong căn nhà gần đó cho biết, trong đợt triều cường mới đây, do nền nhà của ông thấp hơn mặt đường cả mét nên nước tràn vào nhà như sông.

Thời điểm này đang cuối mùa mưa nên chưa thể biết chính xác nhà của mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cao. Chờ đến cao điểm mưa năm sau, nếu nhà bị ngập, tôi sẽ tính đến chuyện nâng nền, còn bây giờ cứ sống tạm vậy”, ông Hùng chia sẻ. 

{keywords}
Tường nhà xuất hiện vết nứt. 

Không chỉ những căn nhà  hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, các căn nhà trong hẻm dọc tuyến đường này cũng chịu ảnh hưởng từ việc nâng cấp đường. Hẻm biến thành sông là điều nhiều người dân lo lắng. 

Ông Vũ Đức Tô Châu cho biết, trước đây khi chưa nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, con hẻm nơi gia đình ông sinh sống không bị ngập nước. Thế nhưng, những trận mưa và triều cường vừa qua, căn nhà của ông bị ngập cả tấc.

Phường đang vận động người dân góp tiền để nâng đường hẻm. Nhưng nâng hẻm rồi thì sẽ phải nâng nền nhà, chứ không nước mưa sẽ tràn hết vào nhà. Trong hẻm toàn dân lao động, tiền đâu ra mà làm, người dân đang phiền lắm”, ông Châu nói. 

{keywords}
Bà Hạnh lo lắng con hẻm sẽ trở thành sông vào mùa mưa khi mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng cao.  

Bà Hạnh, ngụ tại con hẻm đường Võ Duy Ninh (giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh) cho biết, từ khi mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng cao, người dân nơi đây rất lo lắng. Cần phải tính phương án đồng bộ, tức là nâng đường thì phải nâng luôn hẻm. Nếu không, cứ vào mùa mưa, sống ở Thành phố mà như sống  trong vùng lũ. 

Theo đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, phương án thi công nâng mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh đã tính tới việc nhà dân bị ảnh hưởng. Để nước mưa không tràn vào nhà dân, đoạn đường nâng cấp sẽ được thay hệ thống thoát nước. 

Đường ống thoát nước mới sẽ thi công song song với cống hiện hữu, các hố ga dọc vỉa hè sẽ thu nước trên mặt đường. Tại các giao lộ, chủ đầu tư sẽ thi công thêm các đường rãnh để thu nước từ hệ thống thoát nước mới. 

Bên cạnh đó, đại diện chủ đầu tư còn cho biết đã tính phương án giảm kích thước vỉa hè, làm bậc tam cấp và dốc để người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Hiện công trình đang thi công nên còn ngổn ngang, khi dự án hoàn thành các hạng mục này cũng sẽ được hoàn thiện. 

Sau 14 tháng khởi công, đến nay dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh mới chỉ hoàn thành được 65% khối lượng công việc. Dự kiến dự án sẽ đưa vào sử dụng nhân dịp 30/4/2021. 

Cận cảnh loạt chung cư cao cấp 'bóp nghẹt' hơn 3km đường ở TP.HCM

Cận cảnh loạt chung cư cao cấp 'bóp nghẹt' hơn 3km đường ở TP.HCM

Ngoài chuyện ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn, đường Nguyễn Hữu Cảnh nối Q.Bình Thạnh và Q.1 còn phải gánh cả “rừng” chung cư cao cấp, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. 

Lê Hoàng