Dịch chuyển đô thị, phát triển hạ tầng mới

Hạ tầng là một vấn đề cấp thiết trong nội thành cũ. Hệ thống đường xá, cầu cống, cấp thoát nước xuống cấp khiến cư dân nội thành gặp khó khăn trong việc di chuyển trong những ngày mưa to, đặc biệt là tại các con đường Hai Bà Trưng, Cầu Đất, Lạch Tray…

{keywords}
 

Nhận thấy xây dựng hạ tầng là tất yếu, thành phố đã đưa ra chủ trương phát triển các khu đô thị mới, lấy hạ tầng làm “xương sống”. Đặc biệt, 2021 - 2025 là thời điểm quy hoạch hạ tầng then chốt để tạo nền móng vững chắc cho định hướng dài hơi phát triển du lịch Hải Phòng.

{keywords}
 Hạ tầng dự án KCN VSIP Hải Phòng

Trong đó, theo định hướng phát triển không gian đô thị Hải Phòng, quy hoạch thành phố Cảng xanh, đa trung tâm một mặt giúp nội thành cũ có thêm không gian để cải tạo, chỉnh trang; mặt khác đưa cư dân đến một môi trường sống tốt hơn, hạ tầng quy hoạch hoàn chỉnh, đường rộng nhiều làn xe, di chuyển thuận tiện, hệ thống cấp thoát nước hiện đại, nhanh chóng, không lo ngập lụt.

Ngoài ra, hạ tầng mới còn tạo liên kết vùng hiệu quả, nhanh chóng hơn. Từ đó, ngành du lịch Hải Phòng được thúc đẩy phát triển, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, với định hướng huy động nguồn lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và từng bước đưa Hải Phòng trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, quốc tế.

Đáng chú ý, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho du lịch Hải Phòng “cất cánh”.

Hiểu rõ những lợi ích lâu dài của cơ sở hạ tầng, thành phố đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mở cho các dự án chỉnh trang và xây dựng hạ tầng nhằm khuyến khích, thu hút vốn đầu tư công, nguồn FDI, mở ra cơ hội đầu tư lớn về bất động sản, ngành công nghiệp, logistic, du lịch… Trong đó, ngành hưởng lợi lớn từ quy hoạch hạ tầng mới là du lịch Hải Phòng.

Nhiều hạ tầng được cải tạo và phát triển, xây mới

Đường Hồ Sen, Cầu Rào 2 là một trong những dự án cải tạo nổi bật năm 2020 của Hải Phòng. Vốn dĩ là một con đường có lượng người lưu thông lớn nhưng đường Hồ Sen có diện tích nhỏ, dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường.

Sau khi hoàn thiện, đây là tuyến đường nối trung tâm thành phố với trung tâm quận Lê Chân, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hệ thống giao thông của thành phố theo hướng Bắc - Nam, tạo thành trục giao thông hướng tâm nối liền khu vực trung tâm thành phố với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và khu du lịch Đồ Sơn, phát huy hiệu quả khai thác đường Phạm Văn Đồng, Cầu Rào 2, giảm tải các tuyến đường Cầu Đất, Lạch Tray…

{keywords}
 Hải Phòng chi hơn 1.000 tỷ đồng cải tạo đường 359 Thủy Nguyên giai đoạn 2

Bên cạnh đó, dự án cải tạo mở rộng đường 359 cũng đã hoàn thiện giai đoạn 1 từ chân cầu Bính đến xã Trung Hà, Thủy Nguyên. Giai đoạn 2 đã khởi công vào 21/11/2020 cải tạo tuyến đường từ Thủy Triều đến khu công nghiệp Bến Rừng và xây dựng khu tái định cư.

Nối liền với tuyến đường huyết mạch 359 của Thủy Nguyên, đường 9C (tức Đại lộ Đông - Tây) kéo dài đang thi công xây dựng cũng là một tuyến đường trọng điểm của Vành đai 2, được thành phố chú trọng và tập trung triển khai.

Trong 3 năm trở lại đây, những quy hoạch cải tạo, xây mới hạ tầng được Hải Phòng triển khai nhanh chóng, vốn đầu tư lớn, xúc tiến nhanh, hoàn thành đúng hoặc vượt tiến độ. Điều này cho thấy sự quyết liệt của Ban lãnh đạo thành phố trong định hướng phát triển hạ tầng đô thị.

Đây cũng là những dự án tạo tiền đề phát triển mạng lưới giao thông chuẩn chỉnh cho toàn khu vực, đồng thời góp phần thu hút đầu tư, chỉnh trang môi trường đô thị, góp phần cải thiện chất lượng sống và đóng góp cho kinh tế địa phương.

Doãn Phong