Ghi nhận từ chiều ngày 22/4, tại công trình số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều phương tiện, thiết bị được tập kết. Chiều tối, lực lượng chức năng đã tổ chức rào chắn, cấm hoàn toàn phương tiện giao thông qua lại khu vực toà nhà 8B Lê Trực đoạn đường Trần Phú (đoạn giao cắt với phố Thanh Bảo, dài khoảng 200m). Được biết, việc lập rào chắn đoạn đường này để lắp cẩu tháp chuẩn bị phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực. Dự kiến, thời gian lắp dựng cẩu tháp, vận thăng kéo dài từ ngày 22/4 tới 12/5. 

Liên quan đến việc tháo dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm này, UBND quận Ba Đình vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội. Theo đó, UBND quận Ba Đình kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam.

{keywords}
Rào chắn được dựng trên tuyến đường qua công trình 8B Lê Trực tối ngày 22/4.

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế để xử lý giai đoạn 2 công trình sai phạm tại 8B Lê Trực, quyết định thành lập các tổ công tác phục vụ cưỡng chế và đã làm việc với Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam để xây dựng biện pháp, dự toán kinh phí thực hiện phá dỡ giai đoạn 2.

UBND quận Ba Đình trước đó đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của Sở Xây dựng về biện pháp, dự toán tháo dỡ cho Công ty Bắc Nam lập.

Bên cạnh đó, UBND quận Ba Đình cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Công an TP phối hợp, hỗ trợ công tác cưỡng chế; giao các sở: Xây dựng, Tài chính phối hợp, hướng dẫn quận Ba Đình trong quá trình cưỡng chế, thanh toán kinh phí cho đơn vị phá dỡ.

Cũng theo ông Chiến, đến nay đã cơ bản đủ các thủ tục để chuẩn bị tháo dỡ giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực. Dự kiến, thời gian lắp dựng cẩu tháp, vận thăng từ ngày 22/4 tới 12/5 và tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 từ ngày 15/5.

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội hôm 20/4, nhắc tới việc xử lý công trình 8B Lê Trực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.

{keywords}
Dự kiến ngày 15/5 tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2.

Giai đoạn 1, tháo dỡ tum thang và tầng 19, được thực hiện từ tháng 11/2015, đến nay đã hoàn thành. Giai đoạn 2 sẽ là công việc xử lý cắt ngọn phần cao vượt phép tại tầng 17 và 18 tòa nhà và khôi phục các khoảng lùi, giật cấp, diện tích sàn so với Giấy phép xây dựng.

Về phương án thiết kế tháo dỡ tầng 17, 18 toà nhà, trao đổi với PV VietNamNet, PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, các chuyên gia Việt Nam không đến nỗi đầu hàng phải thuê đến nước ngoài.

“Công trình được xây dựng theo một thiết kế đã có sơ đồ kết cấu đã được hình thành trước đó cho nên việc can thiệp, tháo dỡ tầng 17, 18 phải nghiên cứu kỹ thiết kế ban đầu để lựa chọn phương án xử lý thích hợp. Vấn đề là khi nghiên cứu được giải pháp kết cấu hiện hữu của công trình khi cắt bỏ đi sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu phải chọn giải pháp thích hợp để đảm bảo bền vững lâu dài của toàn bộ toà nhà cũng như kết cấu còn lại. Riêng tầng 17, 18 có những yêu cầu kỹ thuật mà mình phải tôn trọng kết cấu ban đầu. Muốn có giải pháp thì phải hiểu kết cấu ban đầu, kết cấu hiện trạng ra sao, hồ sơ gốc, hoàn công của công trình như thế nào. Hoàn toàn chúng ta có thể làm được để toà nhà bền vững dù sẽ rất khó khăn và cũng tốn kém về kinh phí. Nhưng về kỹ thuật chúng ta thực hiện được” – ông Chủng nói.

Huỳnh Anh

Mời nước ngoài phá dỡ nhà 8B Lê Trực: Người Việt không đến nỗi đầu hàng

Mời nước ngoài phá dỡ nhà 8B Lê Trực: Người Việt không đến nỗi đầu hàng

- Theo PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng), các chuyên gia Việt Nam không đến nỗi đầu hàng phải thuê đến nước ngoài vào phá dỡ công trình vi phạm 8B Lê Trực.