Nhà đầu tư không bị ảnh hưởng?

UBND tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Trao đổi với Nhadautu.vn về đề nghị này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng hiện nay Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu).

Với diễn biến này, ông chắc chắn một điều Luật Đặc khu sẽ không được thông qua vì lâu nay không ai nhắc tới luật này nữa. "Vì vậy, động thái của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xin Chính phủ dừng quy hoạch đặc khu Phú Quốc, trong thời điểm hiện nay là phù hợp", đại biểu Hòa nói.

Pham Van Hoa_Zing

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang.

Vị đại biểu phân tích, nếu sau này, Quốc hội chuẩn bị có động thái phê duyệt, thông qua Luật Đặc khu thì điều chỉnh lại quy hoạch cũ vẫn không có ảnh hưởng vấn đề gì.

Nói về việc các nhà đầu tư lo ngại bị ảnh hưởng bởi cơ chế khi chưa có Luật Đặc khu, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định hoàn toàn không ảnh hưởng tới nhà đầu tư.

Theo lý giải của ông, hiện, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các tỉnh đang rất trân trọng đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước, để đầu tư ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực.

"Ở Phú Quốc thì phải nói rằng là Trung ương và địa phương rất quan tâm vấn đề quy hoạch đặc khu cũng như đầu tư. Đây chỉ là tạm "xóa" quy hoạch đặc khu thôi, còn có các quy hoạch khác vẫn tạo lợi thế cho Phú Quốc", đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.

Ông lấy dẫn chứng nếu áp dụng quy định cũ thì trường hợp đặc biệt vẫn được cho thuê đất 70 năm, trong khi dự thảo Luật Đặc khu 99 năm. Theo ông, khoảng cách này không xa lắm.

"Các nhà đầu tư đã đầu tư ở Phú Quốc rồi, hoặc ai chưa đầu tư thì thấy Phú Quốc sẽ như hiện giờ và mai sau vẫn thế. Chế độ ưu đãi đầu tư vẫn thế, luật hiện hành quy định rất cụ thể rồi. Kiên Giang xin thêm quy hoạch khu kinh tế để quản lý, vận hành ổn định thì tốt lên thôi", đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.

Tạo động lực phát triển, trảnh rủi ro an ninh quốc phòng

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng mô hình đặc khu đã có từ lâu rồi, có những thử nhiệm thành công cũng như không thành công trên thế giới.

"Kiên Giang xin quy hoạch của cơ chế riêng khi Luật Đặc khu chưa được thông qua là điều hợp lý. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM vẫn đang làm. Chính phủ cân nhắc gỡ vướng tạo cơ chế cho một Phú Quốc có tiềm năng phát triển là rất tốt, cần thiết. Quan trọng nhất, người ta quan tâm đến cái đặc quyền như thế nào, để tạo động lực phát triển, tránh rủi ro an ninh quốc phòng về kinh tế", đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Quoc

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai). Ảnh: Thắng Quang.

Nói về việc này, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng khắng định việc lập quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc không ảnh hưởng gì đến nội dung định hướng huyện đảo này trở thành đặc khu trong tương lai.

Lãnh đạo Kiên Giang cho biết Phú Quốc vẫn giữ nguyên định hướng trở thành đặc khu, không có gì thay đổi cả. Ông nói: "Một số dư luận lo lắng, nhất là giới đầu tư bất động sản. Tôi khẳng định rằng việc này chỉ là tạm dừng lập quy hoạch theo hướng đặc khu, gần như chỉ đổi tên chứ không hề thay đổi tính chất, nội dung quy hoạch theo tinh thần Quyết định 178 và Quyết định 633 của Chính phủ".

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang có tờ trình Thủ tướng xin tạm dừng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020” được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển của đảo Phú Quốc.

Tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch. Tuy nhiên đến nay, dự thảo luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội thông qua.

Vì vậy, việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và thành lập hội đồng thẩm định.

"Căn cứ theo các nội dung tại Khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch thì việc xây dựng quy hoạch của cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong khi nhiều mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Phú Quốc đã vượt so với các mục tiêu được phê duyệt tại quyết định 178 nêu trên Chỉnh phủ. 

Nếu chờ đến quy hoạch tỉnh được lập và phê duyệt thì sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong việc định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển đồng thời sẽ vướng mắc trong quá trình thu hút, kêu gọi và triển khai thực hiện các dự án đầu tư", UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.

Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh được tổ chức triển khai lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc. Nguồn kinh phí quy hoạch từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thực hiện thanh toán với tư vấn nước ngoài. UBND tỉnh Kiên Giang cam kết chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tư vấn đảm bảo năng lực, kinh nghiệm, uy tín để lập quy hoạch.

Đề án phát triển 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Chính phủ, đảo Phú Quốc được định hướng phát triển không gian các khu chức năng, vùng phát triển đô thị, không gian vùng phát triển khu phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, không gian vùng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, không gian vùng đặc biệt với sân bay, cảng biển, khu phi thuế quan.

Đề án này ước tính đầu tư toàn xã hội để phát triển các lĩnh vực theo quy hoạch khoảng 40 tỷ USD, tương đương 900.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2030, trong đó vốn nhà nước 59%, tư nhân 41%.

Theo nhadautu

Hoãn thông qua đặc khu: Bất động sản Vân Đồn, Bắc Vân Phong ‘đóng băng’

Hoãn thông qua đặc khu: Bất động sản Vân Đồn, Bắc Vân Phong ‘đóng băng’

Hoãn thông qua đặc khu giao dịch tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong bị đóng băng hoàn toàn bất động sản Phú Quốc bị ảnh hưởng ít hơn