-Vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 77 dự án trên địa bàn thế chấp tại ngân hàng, Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cũng chính thức công bố danh sách 34 dự án đang đăng ký thế chấp.

Có nhiều hình thức thế chấp

Thông tin về danh sách các dự án đang thế chấp tại ngân hàng được Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố công khai ngay lập tức đã làm nóng thị trường. Không chỉ băn khoăn, lo lắng, có nhiều người cho rằng dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Về 34 dự án đang thế chấp vừa được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố, đại diện Sở này cho biết đây là những doanh nghiệp vay tín dụng ngân hàng có thông qua hệ thống văn phòng đăng ký đất đai tính đến ngày 29/7/2016.

 

{keywords}

Dự án tại phường Ô Chợ Dừa của Tân Hoàng Minh có tên trong danh sách 34 dự án thế chấp tại Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề thế chấp, luật sư Nguyễn Thế Truyền –Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, hiện nay, có 3 hình thức thế chấp. Một là, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (điều kiện bắt buộc dự án phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hai là, thế chấp bằng dự án thì không nhất thiết phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ba là, thế chấp quyền tài sản trên đất (quyền khai thác, quyền sở hữu, quyền bán tài sản trên đất và nhiều quyền liên quan đến đất) – trường hợp này không cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không cần đăng ký tại sở Tài nguyên Môi trường.

Theo luật sư Truyền, ở trường hợp thứ ba thì chủ đầu tư có thế chấp ngân hàng nhưng lại không công khai thông tin tại Văn phòng quản lý đất đai của thành phố. “Dữ liệu mà Sở Tài nguyên Môi trường công bố đều không có dữ liệu thông tin liên quan đến quyền thế chấp tài sản trên đất và đây là hình thức thế chấp được các chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn nhiều nhất” – luật sư Truyền nói.

Vì vậy theo vị luật sư này, so với con số mà Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa công bố con số trên chưa phản ánh được sự thật khách quan. “Thực tiễn thông qua việc tư vấn cho một số chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, hầu hết các dự án bất động sản để có được nguồn vốn để triển khai dự án đều phải vay vốn ngân hàng và tất nhiên họ phải đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai” – luật sư cho biết.

Nhận định về số các dự án thế chấp được công bố, ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, ở Hà Nội đâu phải chỉ có bằng ấy các dự án mà còn nhiều hơn thế.

Thậm chí, trên thực tế đã có trường hợp chủ đầu tư và ngân hàng không tuân thủ quy định của pháp luật, khi dự án đã được thế chấp ở một ngân hàng lại tiếp tục sử dụng dự án đó để thế chấp khoản vay tại một ngân hàng khác giống như cùng một tài sản lại bảo đảm cho hai khoản vay khác nhau. Và vấn đề đặt ra đó là những rủi ro về mặt pháp lý đối với người mua nhà.

Ý kiến từ luật sư cho biết, “Khi người dân đã nộp tiền mua nhà và không biết dự án đã được thế chấp thì việc gặp rủi ro là rất lớn. Đối với các dự án thế chấp được được sở Tài nguyên Môi trường quản lý thì các rủi ro xảy ra sẽ thấp, đảm bảo quyền cấp giấy chứng nhận, sổ đỏ cho người mua nhà, còn đối với các dự án bị thế chấp nhưng không đăng kí với Sở Tài nguyên và môi trường thì các rủi ro dễ xảy ra như: khách hàng bị ngân hàng siết nợ, bắt nhà nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ,…. Lúc này, tình huống tranh chấp pháp lý nảy sinh rất phức tạp, khó xử lý.…”.

Hà Nội sẽ tiếp tục công khai dự án thế chấp ngân hàng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, việc công bố các dự án đang thế chấp vay vốn ngân hàng vừa qua là việc cần thiết để minh bạch thị trường, giúp khách hàng có một đánh giá tổng thể dự án trước khi chọn mua một sản phẩm. Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, việc phát hiện ra các dự án có thế chấp ngân hàng với tỷ lệ khoảng 10% không nói lên tính nguy hiểm cho thị trường. Ở đây, phải phát hiện được, trong cả dự án thế chấp đó, có từng căn hộ trong tương lai hay hiện tại cũng mang đi thế chấp ở một ngân hàng khác hoặc thậm chí cùng ngân hàng thì lúc đó mới thành chuyện.

“Tôi cho rằng, cần có 2 thông tin, dự án này đem đi thế chấp thì trong đó, có bao nhiêu căn hộ cũng đem đi thế chấp? Nếu dự án này đem đi thế chấp tổng thể nhưng không có căn hộ nào đi thế chấp thì câu chuyện đó là bình thường.

Nhưng chỉ có điều thế này, đã đem đi thế chấp dự án ngân hàng thì khi bán các căn hộ trong dự án đó thì phải giải chấp các căn hộ đó. Về nguyên tắc, pháp luật yêu cầu như vậy. Đó là điều tiếp theo chúng ta phải làm, phải minh bạch về các thông tin này” – Giáo sư Võ nhấn mạnh.

Trao đổi với PV VietNamNet về danh sách 34 dự án đang thế chấp tại ngân hàng vừa được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố, đại diện sở này cho biết, đây là những doanh nghiệp vay tín dụng ngân hàng thông qua hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tính đến ngày 29/7/2016. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục cập nhật, công khai các chủ đầu tư, các dự án thế chấp ngân hàng qua văn phòng đăng ký đất đai.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng khẳng định: “Việc chủ đầu tư thế chấp vay vốn là chuyện bình thường. Việc này được kiểm soát chặt để người dân mua nhà đối với các dự án đủ điều kiện là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không có chuyện người dân mua nhà ở các dự án thế chấp bị ảnh hưởng quyền cấp giấy. Chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Dứt khoát là như vậy”.

Hồng Khanh