Bỏ hoang gần chục năm 

Quan sát Dự án xây dựng Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc, tiền thân là Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho thấy, trong khối nhà chính đã được xây dựng là sự lạnh lẽo của các giảng đường, bụi thời gian, mùi ẩm mốc phủ trên các đạo cụ, giảng đường.

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 1

Cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: M.Đ

Trước sân trường nhiều cột đèn chiếu sáng bóng đã vỡ nhưng không được thay. Bên cạnh khối nhà chính là các khối công trình xây dựng dở dang và bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm.

Theo tìm hiểu, Dự án xây dựng Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc được phê duyệt từ năm 2008, đến năm 2011 được khởi công xây dựng với mức đầu tư là 76 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 95 tỷ đồng. Thời điểm đó, Dự án này do chính Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật làm chủ đầu tư.

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 2

Trại gà bất đắc dĩ. Ảnh: M.Đ

Dự án đã được triển khai thi công với các hạng mục như san nền, xây dựng đồng loạt các hạng mục công trình  như, lớp học lý thuyết, hiệu bộ, hội trường, nhà học âm nhạc, múa...

Tuy nhiên, trong quá trình thi công phát hiện dự án này chồng lấn lên dự án đường giao thông đã được phê duyệt trước đó. Chính vì thế dự án này buộc dừng triển khai và “đắp chiếu” kể từ năm 2011 đến nay.

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 3

Tài sản gần trăm tỷ để hoang phế. Ảnh: M.Đ

Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản nêu rõ: Qua kiểm tra thực địa và đối chiếu giữa hướng tuyến dự án đường song song phía Nam đường sắt Hà Nội – Lào Cai với dự án Dự án xây dựng Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc, thì diện tích chiếm dụng của đường sẽ trùng vào diện tích Dự án của Trường Văn hóa nghệ thuật khoảng 3.400 m2.

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 4

Một số hạng mục đã hoàn thiện phần thô cũng bị để hoang hoá. Ảnh: M.Đ

Được biết, công trình dang dở trên được một cựu lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ký phê duyệt. Điều đáng nói, trong khi cũng chính vị này khi trên cương vị là Giám đốc Trung tâm quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc là người tham gia lập quy hoạch dự án đường song song phía Nam đường sắt Hà Nội - Lào Cai...

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 5

Người dân tận dụng làm nơi nuôi gà. Ảnh: M.Đ

Đối với ngôi trường này, ngày 7/2/2018, Sở LĐTB&XH Vĩnh Phúc tổ chức bàn giao Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh về Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc. Theo Quyết định số 98 của UBND tỉnh, Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc từ tháng 1/2018.

Bỏ hoang vì dự án chồng dự án

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 6

Mặt tiền của ngôi trường nhìn khang trang nhưng cũng bị bỏ hoang. Ảnh: M.Đ

Liên quan đến dự án gần trăm tỷ xây dở dang rồi bỏ hoang, ngày 19/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc (nguyên hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc) cho biết,  theo chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trường hiện nay không còn Trường Văn hóa nghệ thuật mà đã sáp nhập về Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, khiến dự án phải dừng lại.

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 7

Cây dại mọc um tùm. Ảnh: M.Đ

Việc bàn giao cho ai thì đến giờ chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên trước khi sáp nhập trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có tạm giao cho Sở VHTT&DL quản lý cơ sở vật chất. Về phía nhà trường, chúng tôi cũng đã làm văn bản đề nghị tiếp tục sử dụng công trình.

Dự án này triển khai từ năm 2008, sau khi giải phóng mặt bằng thì chính thức xây năm 2011. Đến năm 2012, trường đang xây dựng một số hạng mục thì tỉnh yêu cầu dừng vì một số hạng mục bị chồng lấn diện tích với dự án làm đường nhựa, chạy song song với đường sắt.

Cận cảnh trường học trăm tỷ biến thành trại gà hoang hoá - ảnh 8

Phía tong được làm thành trại gà. Ảnh: M.Đ

Theo thiết kế, một số hạng mục sẽ phải dịch chuyển, dẫn đến tất cả các hạng mục khác phải điều chỉnh, bị ảnh hưởng và chậm tiến độ, ông Đào Ngọc Anh nói.

Theo tienphong