Nhiều chung cư trên địa bàn quận Hà Đông có dấu hiệu sai phạm. Mỗi chung cư có những sai phạm khác nhau nhưng điểm chung nhất là các chủ đầu tư đều không chịu bàn giao phí bảo trì và hồ sơ nhà chung cư. Vậy đâu là nguyên nhân?

Phí bảo trì là món lợi lớn

Theo báo cáo của quận Hà Đông, trên địa bàn quận hiện có 54 toà nhà chung cư. Trong đó, 48 toà nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị (BQT), 6 toà chung cư chưa thành lập Ban quản trị. Thực hiện Luật nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, UBND quận Hà Đông thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan, kiểm tra công tác quản lý vận hành nhà chung cư đối với các toà nhà trên địa bàn.

{keywords}

Chung cư Hồ Gươm Plaza, phường Mộ Lao, quận Hà Đông đang xây sai so với thiết kế được duyệt (270 căn hộ).

Đối với các chủ đầu tư (CĐT) toà nhà không hợp tác, không thực hiện đúng quyền và trách nhiệm theo quy định như: Bàn giao phí bảo trì 2%, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, công tác hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC)… UBND quận đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện theo quy định. Trường hợp CĐT cố tình không thực hiện, UBND quận sẽ báo cáo Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.

Theo Luật sư Trần Minh Tân – Trưởng Văn phòng Luật sư Đông A & Nhóm Tinh Hoa: Quy định pháp luật nhà ở hiện hành, kinh phí bảo trì được bàn giao trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, còn hồ sơ nhà chung cư được bàn giao trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày BQT có văn bản yêu cầu.

Theo đúng trình tự pháp luật, sau 7 ngày có quyết định thành lập BQT thì CĐT phải có trách nhiệm bàn giao các nội dung kể trên theo trình tự. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mặc dù các BQT đã thành lập nhiều tháng nhưng vẫn chưa có tòa nhà nào ở quận Hà Đông bàn giao xong. Nhiều CĐT còn tỏ ra cố tình không chịu hợp tác, điển hình như: Chung cư Hồ Gươm Plaza; chung cư 16B Nguyễn Thái Học; chung cư CT12 – Khu đô thị Văn Phú... Theo thông tin phóng viên nhận được, BQT và cư dân ở đây đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cấp, phản ánh về việc cố tình không hợp tác của CĐT.

{keywords}

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng BQT nhà chung cư Hồ Gươm Plaza đã nhiều lần gửi đơn đi các cấp đề nghị hỗ trợ giải quyết việc bàn giao phí bảo trì và hồ sơ nhà chung cư nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay phí bảo trì của các chung cư thấp cũng vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Theo BQT tại chung cư Hồ Gươm cho biết, ước tính chưa đầy đủ phí bảo trì mà CĐT thu của các hộ dân đến cuối năm 2016 khoảng 24-25 tỷ đồng. Còn 2 chung cư CT12 Văn Phú và 16B Nguyễn Thái Học khoảng từ 6-7 tỷ đồng/1 chung cư.

Phóng viên cũng đã nhờ chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích lợi nhuận thu được trên con số ước tính phí bảo trì ở 3 chung cư kể trên cho thấy: Nếu số tiền gửi càng cao, từ 50 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/món gửi trở lên và kỳ hạn gửi càng dài thì lãi suất sẽ càng cao; số tiền lãi thu được thực tế cũng tăng theo số tiền gửi và thời gian gửi.

{keywords}

Đây là bảng tính lãi tiền gửi trên số tiền gửi tại Sacombank là 20 tỷ đồng, với các kỳ hạn: Không kỳ hạn, kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.

Theo biểu tính lãi suất của ngân hàng thương mại Sacombank - một trong những ngân hàng đang có mức lãi suất tiền gửi trung bình trong hệ thống ngân hàng hiện nay (có biểu tính lãi suất kèm theo), phóng viên chỉ lấy mức tiền gửi tròn 20 tỷ đồng, áp dụng trên biểu lãi suất thời điểm này tại Sacombank: Nếu gửi ở kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm thì mỗi tháng sẽ cho lãi trên 83 triệu đồng (lĩnh lãi cuối kỳ). Cộng dồn cả năm thì sẽ được khoản lãi là 1,1 tỷ đồng/năm. Ở kỳ hạn gửi là 3 tháng, mức lãi suất là 5,4%/năm. Cộng dồn lãi các kỳ cũng sẽ thu được 1,1 tỷ đồng lãi/năm. Ở kỳ hạn gửi 6 tháng, mức lãi suất Sacombank đang áp dụng là 6%/năm, tiền lãi thu được cộng dồn là 1,3 tỷ đồng/năm.

Như vậy, theo thực tế, BQT chung cư Hồ Gươm Plaza được thành lập đã quá nửa năm, nếu được bàn giao phí bảo trì đúng hạn thì số lãi mà BQT và cư dân ở đây được hưởng theo lãi suất tiền gửi tính theo kỳ hạn chỉ trong 1 tháng đã thu được không dưới 500 triệu đồng tiền lãi/tổng số tiền gửi tạm tính là 20 tỷ đồng, trong 6 tháng.

Mất lợi ích kép

Nếu bàn giao đúng thời hạn về phí bảo trì và hồ sơ nhà chung cư theo quy định của pháp luật, các CĐT không chỉ mất số tiền lãi hàng tháng thu được trên số tiền phí bảo trì đã thu của cư dân mà còn mất nhiều lợi ích khác từ các công trình xây dựng sai so với thiết kế ban đầu.

Cụ thể, theo trao đổi của Luật sư Trần Minh Tân: Việc chủ đầu tư công trình xây dựng toà nhà sai với thiết kế nêu trong giấy phép xây dựng công trình là hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và bị xử lý theo các chế tài xử phạt vi phạm hành chính tương ứng.

{keywords}

Khu vực sảnh chung cư 16B Nguyễn Thái Học, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Nếu bàn giao các hạng mục theo hồ sơ thì nó phải bị phá bỏ và CĐT mất đi khoản lợi nhuận trong kinh doanh.

Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng diễn ra trước ngày 30/11/2013 bị xử lý theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP. Nếu vi phạm các hành vi như xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch chi tiết đô thị được duyệt, sai thiết kế đô thị được duyệt thì phải dỡ bỏ công trình vi phạm, tức đập bỏ các căn hộ xây dựng trái phép.

Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng diễn ra kể từ ngày 30/11/2013 trở về sau bị xử lý theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Đáng chú ý là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP cho phép xử lý các công trình sai phạm theo kiểu “phạt cho tồn tại” nếu hành vi đó không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp.

{keywords}

270 căn hộ xây dựng sai thiết kế được duyệt tại chung cư Hồ Gươm Plaza đã và đang hoàn thành. Nếu nó được xử phạt cho tồn tại và nộp 50% tiền thu về vào ngân sách thì CĐT vẫn mang lợi hàng trăm tỷ đồng. Còn ngược lại CĐT phải phá bỏ thì sẽ mất hàng trăm tỷ đồng.

Khi đó, CĐT công trình sai phạm ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, thì còn bị buộc phải nộp lại 50% số lợi bất hợp pháp có được từ phần xây dựng không phép. Sau khi CĐT hoàn thành việc nộp phạt vào ngân sách nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Đây chính là "kẽ hở" pháp luật được rất nhiều CĐT khai thác để xây dựng sai phép, không phép trong thời gian qua.

Căn cứ vào những nội dung mà Luật sư Tân trả lời: Chỉ riêng dự án nhà chung cư Hồ Gươm PLaza, CĐT xây sai thiết kế được duyệt 270 căn hộ. Nếu bình quân mỗi căn hộ bán với giá 2 tỷ đồng thì CĐT đã thu về 540 tỷ đồng. Nếu cho phép xử lý các công trình sai phạm theo kiểu “phạt cho tồn tại” thì ngoài tiền bị xử phạt hành chính CĐT còn phải nộp 50% số lợi bất hợp pháp, tức mất đi 270 tỷ đồng từ bán các căn hộ, chưa kể các chi phí khác.

Sai phạm ở chung cư 16B Nguyễn Thái Học nếu xử lý thì CĐT phải phá dỡ các công trình nhà ở tầng trên cùng, đồng thời phá dỡ công trình kinh doanh lấn chiếm sảnh trước của tòa nhà. Thực hiện điều này, CĐT không chỉ bị mất tiền lãi từ phí bảo trì mà còn mất đi lợi nhuận trong kinh doanh tại công trình lấn chiếm diện tích sở hữu chung.

Trong khi đó, CĐT cố tình xây dựng sai phép, không phép tại một số căn hộ gây ảnh hưởng tiêu cực tới công năng, tuổi thọ toà nhà và làm giảm tiện ích chung của cư dân.

Theo Báo Pháp luật