Mặc dù đã cam kết sẽ bàn giao dần quỹ bảo trì 2% cho ban quản trị nhà chung cư với lộ trình 20 tỷ/tháng bắt đầu từ tháng 7/2015, tuy nhiên, đến nay, Keangnam Vina vẫn “phớt lờ” lời hứa này. Họ cho rằng, cam kết trên chỉ là quyết định đơn phương của công ty đặt tại Việt Nam và chưa được cấp trên phê duyệt.Không bàn giao vì… cấp trên

Ban Quản trị Nhà chung cư Keangnam vừa có công văn gửi lên nhiều sở ban ngành báo cáo về vấn đề quỹ bảo trì 2%, trị giá khoảng 160 tỷ đồng của cư dân vẫn bị chủ đầu tư chiếm dụng.

Theo đó, Ban Quản trị toà nhà này cho biết, cho đến nay, ngoài 2 tỷ đồng duy nhất được chủ đầu tư chuyển giao theo văn bản cam kết vào đồng tài khoản giữa Ban Quản trị và đại diện Công ty Keangnam vào ngày 12/6/2015, phía chủ đầu tư Keangnam Vina vẫn không chuyển trả thêm khoản tiền nào của quỹ bảo trì.

Thực tế này đã vi phạm chính cam kết của Keangnam Vina vào ngày 11/6 trước đó về việc sẽ trả số tiền bảo trì theo tiến độ 20 tỷ đồng/tháng của chủ đầu tư.

{keywords}

Quả bóng trách nhiệm lại được Keangnam Vina 'đá' lên cấp cao hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm và Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã đến cơ sở để điều tra thu thập tài liệu và đã trực tiếp làm việc nhiều lần với Keangnam Vina nhưng vẫn chưa có kết quả.

Liên quan đến việc “treo” số tiền 2% quỹ bảo trì lên tới khoảng 160 tỷ, đại diện Ban quản trị chung cư Keangnam cũng cho hay: Phía chủ đầu tư đã đưa ra nhiều lý do để giải thích cho thực tế này. Theo đó, quả bóng trách nhiệm lại được Keangnam Vina “đá” lên cấp cao hơn.

Cụ thể, theo kết quả buổi làm việc giữa các bên vào cuối tháng ​Tám vừa qua, Keangnam Vina cho rằng, hiện nay công ty mẹ Keangnam Hàn Quốc đã bị tòa án Hàn Quốc phong tỏa tài sản để quản lý và điều hành. Số tiền bảo trì thu từ trước năm 2011 không được đưa vào tài khoản tiền gửi ngân hàng mà để lẫn vào tài khoản chung của công ty, đã đưa vào hoạt động kinh doanh mà không tách ra quản lý như quy định.

Cũng theo đại diện của Keangnam Vina, việc cam kết trả quỹ bảo trì với tiến độ 20 tỷ mỗi tháng như cam kết trước đó là do công ty này tự ý đưa ra nên không có giá trị vì chưa được cấp trên phê duyệt.

Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn này cũng xin 20 ngày để xin cấp trên phê duyệt kế hoạch trả quỹ. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, cư dân tại tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn chưa nhận được những phản hồi chính thức và tích cực.

“Chủ tịch Keangnam Vina khẳng định, hiện hoạt động của công ty tại Việt Nam vẫn tốt và có đủ tiền để trả quỹ bảo trì nhưng ông nhắc lại trước đó công ty này vẫn chưa thống nhất được việc sẽ bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị hay cho Doanh nghiệp bảo trì được Ban Quản trị lựa chọn để quản lý nhà chung cư,” đại diện Ban Quản trị toà nhà Keangnam cho hay.

Kiến nghị chuyển đổi tài sản để khấu trừ

Trước thực tế Keangnam Vina liên tục thất hứa và viện dẫn nhiều lý do không xác đáng trong việc bàn giao quỹ bảo trì 2% cho cư dân, Ban quản trị tòa chung cư cao nhất Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính Phủ.

Cụ thể, Ban quản trị kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo xem xét giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, Ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn trả quỹ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp, Keangnam Vina không có khả năng chi trả bằng tiền, Ban quản trị mong muốn Thủ tướng xem xét cho phép công ty này chuyển đổi các tài sản hiện có như nhà, xe, các căn hộ chưa bán, diện tích thương mại… thông qua cơ quan định giá của Bộ Xây dựng làm việc với Ban quản trị để khấu trì chi phí nợ quỹ bảo trì 2%.

Ngoài ra, Ban quản trị cũng kiến nghị Chính Phủ chỉ chấp thuận cho Keangnam Vina chỉ được phép chuyển nhượng tài sản sau khi hoàn trả đầy đủ quỹ.

Theo Vietnam+