Thị trường bất động sản (BĐS) phát triển nóng kéo theo cơn khát nguồn nhân sự bán hàng. Số lượng môi giới tăng nhanh đến mức chưa kịp đào tạo chuyên nghiệp đã bung ra thị trường. Đây cũng là cơ hội cho các “thánh bất động sản” kiếm tiền trên sự non nớt kinh nghiệm của người mới.

Nhiều chiêu trò ăn theo xu hướng

Theo các báo cáo thị trường gần đây, số lượng giao dịch nhà ở tại TP.HCM năm 2015 tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Để có được số lượng giao dịch này, bên cạnh việc tăng nguồn cung thì lượng môi giới bán hàng cũng tăng tương ứng.

Điểm qua một số sàn giao dịch có thể thấy rõ xu hướng tăng quân: Công ty Nhịp Cầu Địa ốc tăng từ 20 lên đến 300 môi giới; Khải Hoàn Land với lực lượng môi giới từ 3.000 dự kiến tăng đến 8.000 trong năm nay…

{keywords}

Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Địa ốc Trường Phát, nhiều doanh nghiệp việc đào tào không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Do vậy, chuyện những người trẻ mới vào nghề, bị dụ dỗ vào những khóa đào tạo bí quyết kiếm tiền tỷ từ bất động sản không hiếm.

Những chiêu trò đào tạo này được tổ chức bởi những cá nhân có biệt tài “chém gió” về khả năng và phương pháp kiếm tiền, khiến những người non kinh nghiệm tưởng thật, lao vào đóng tiền học. Hậu quả là vừa mất tiền, mất thời gian và bị lối suy nghĩ lệch lạc chi phối.

Bên cạnh đó, những môi giới chưa đủ thời gian sống với nghề để hiểu, rất dễ bị hoa hồng trước mắt của mỗi giao dịch cám dỗ. Đây là điểm được những dự án có vấn để về pháp lý, uy tín, năng lực triển khai… tận dụng, đẩy hoa hồng lên cao để môi giới tập trung bán hàng, bất chấp tất cả.

Giám đốc một công ty đang phân phối BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, chia sẻ, hiện nay việc cam kết lợi nhuận với dòng sản phẩm này đang lan rộng khắp nơi. Có dự án chi hoa hồng đến 10% để kéo môi giới về bán. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ thì năng lực chủ đầu tư hạn chế, cam kết lợi nhuận cũng chỉ là ăn theo xu hướng, còn có thực hiện được hay không rất khó đảm bảo.

Cuộc chiến giành thị phần

Có một thực tế ở hầu hết các dự án, chủ đầu tư chỉ bỏ ra khoảng 15 - 20% vốn, số còn lại phần lớn huy động từ khách hàng và vay ngân hàng… Điều này khiến cuộc chiến bán hàng trở thành chuyện sống còn đối với số phận dự án và doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Anh Dũng, Giảng viên cao cấp của hội đồng chuyên gia bất động sản Hoa Kỳ, cho rằng, khi thị trường có biến động, một số chiêu trò có thể xuất hiện. Nhưng nhìn chung, công tác bán hàng vẫn phải dựa trên các yếu tố cốt lõi: Đào tạo nhân sự, hệ thống phân phối, sản phẩm phù hợp…

Ngoài đào tạo theo chương trình khung của Bộ Xây dựng, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã chú trọng tái đào tạo gắn với thực tiễn thị trường. Một số doanh nghiệp như Thế Giới Bất Động Sản, Địa ốc Trường Phát, Nhịp Cầu Địa ốc… thường mời chuyên gia về đào tạo, cập nhật kiến thức cho nhân viên. Khải Hoàn Land còn thành lập Coaching Center qui mô lớn, với mục tiêu đạo tạo ra lớp môi giới không chỉ am hiểu nghề mà đạo đức phải chuẩn mực.

Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM cũng không ngừng mở rộng để tiếp cận tối đa với khách hàng. Trong đó, Hưng Thịnh Land có 7 sàn giao dịch tại TP.HCM và Vũng Tàu; Novaland có đến 15 sàn giao dịch; một doanh nghiệp phân phối chủ lực các sản phẩm của Vingroup ở phía Nam thậm chí còn tấn công ra Bắc, mở Siêu thị Vinhomes Sài Gòn giữa lòng Hà Nội…

Theo ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phú Vinh Investment, sự cạnh tranh khốc liệt của các đơn vị môi giới buộc họ phải cải tiến chất lượng dịch vụ, con người và chọn sản phẩm tốt để bán. Điều này sẽ giúp khách hàng được hưởng lợi nhờ tiếp cận được tư vấn chuyên nghiệp thay vì kiểu chụp giật của “cò” trước đây.

Quốc Tuấn