Đủ tên gọi, loạn công năng

Tại cửa hàng Haki Shop (Hà Nội và TPHCM) hiện đang bán nhiều loại miếng dán chống bức xạ điện từ như DZ880, Hello Kitty 8800, Gold DZ8800, có xuất xứ từ Nhật, đồng giá 785.000 đồng/sản phẩm. Miếng dán có kích thước bằng hai ngón tay, được quảng cáo rằng chỉ cần dán lên mặt sau của các thiết bị điện tử đang sử dụng sẽ chống được bức xạ điện từ.

Tìm hiểu tại các trang thương mại điện tử nước ngoài thì được biết, các miếng dán này chỉ có công dụng chống… khói điện tử phát ra từ các thiết bị trong quá trình sử dụng
Tìm hiểu tại các trang thương mại điện tử nước ngoài thì được biết, các miếng dán này chỉ có công dụng chống… khói điện tử phát ra từ các thiết bị trong quá trình sử dụng

Chẳng hạn, dán lên ăng-ten của điện thoại có thể giúp giảm hơn 90% các tổn thương bức xạ tác động đến con người; dán lên pin điện thoại giúp giảm 70% tổn thương bức xạ và phục hồi lượng pin, tiết kiệm thời gian sạc pin… Ngoài điện thoại, người dùng còn có thể dán lên máy tính, lò vi sóng, lò nướng, máy ảnh…

Nhân viên cửa hàng cho biết, sở dĩ miếng dán có công năng thần kỳ như trên là do được chế tạo từ quặng tự nhiên Tourmaline, phát ra ion âm để chống lại các ion dương được phát ra từ sóng điện từ, giúp người sử dụng tránh được ảnh hưởng từ nó. Nhờ đó, sẽ ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng căng thẳng, nhức đầu, nặng đầu, mệt mỏi, stress, giúp tinh thần thư giãn hơn; ngăn chặn bức xạ điện từ tấn công đến não, tim, thận và các bộ phận khác; chống teo não, suy giảm trí nhớ.

Cũng là miếng dán tương tự như trên, tại cửa hàng Healthmart (chung cư Thủy Lợi 4, Q.Bình Thạnh, TPHCM), người bán gọi sản phẩm này là chip chống sóng điện từ Hitoki và bán với giá chỉ 341.000 đồng/sản phẩm. Sản phẩm được giới thiệu rằng chỉ cần sử dụng một miếng dán là chống được sóng điện từ mãi mãi, không cần thay mới. 

Còn tại cửa hàng Chiaki (Hà Nội), miếng dán Hitoki được quảng cáo có khả năng giảm tần số sóng điện thoại cũng như wifi được phát ra từ các thiết bị điện tử do có cấu tạo bởi lớp vàng siêu mỏng (99%), sợi EMI (sợi chống bức xạ) và 14 loại insulator. Sản phẩm được xem là thiết bị thông minh được ưa chuộng tại Nhật. 

 

Ngoài miếng dán của Nhật, trên thị trường còn có miếng dán E-Guard, sử dụng công nghệ Đức và xuất xứ từ Thụy Điển được bán với giá 499.000 đồng/sản phẩm. Theo quảng cáo, sản phẩm này được xác nhận bởi tiến sĩ y khoa Manfred Deopp thuộc Trung tâm Y học năng lượng toàn diện của Đức.

Miếng dán có hình tròn, kích thước nhỏ, được làm bằng chì. Nếu dán lên điện thoại thì sử dụng một miếng, có công dụng chống sóng điện từ trong 2-3 năm; dán lên máy tính thì dùng 2 miếng, có công dụng 3-4 năm; còn dán lên ti vi thì dùng 4 miếng, công dụng 5-6 năm. Sản phẩm thần kỳ đến mức chỉ cần để miếng dán tiếp xúc với da sẽ giúp cơ thể gia tăng năng lượng vì cản được toàn bộ bức xạ điện từ thâm nhập vào cơ thể. 

Sản phẩm cản bức xạ điện từ còn có dạng vòng tay, kính đeo, được bán với giá 200.000 - 700.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra còn có loại miếng dán chống bức xạ ánh sáng cho điện thoại, máy vi tính được bán với giá 50.000 - 250.000 đồng/sản phẩm, có xuất xứ từ Trung Quốc.  
Mặc dù được quảng cáo nhập từ Nhật, Thụy Điển nhưng đặc điểm chung của loại sản phẩm này là đều không có nhãn phụ, thông tin về nguồn gốc, nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu, công dụng sản phẩm… mà tất cả đều do người bán tự phong.

Chỉ là thiết bị phát ra một ít ion âm

Tìm hiểu tại các trang thương mại điện tử nước ngoài thì được biết, các miếng dán này chỉ có công dụng chống… khói điện tử phát ra từ các thiết bị trong quá trình sử dụng. Không hề thấy công dụng chống bức xạ điện từ giống như các cửa hàng đang quảng cáo tại Việt Nam. 

Vậy thật ra sản phẩm có công dụng chống bức xạ điện từ hay không? Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa TPHCM - cho biết, không thiết bị nào có thể chống được bức xạ điện từ như quảng cáo. Nếu miếng dán phát ra ion âm thì công dụng chính là làm sạch không khí.

 

Trong không khí chúng ta sống hằng ngày có hai loại ion âm và ion dương. Trong đó, ion âm có lợi, còn ion dương có hại cho sức khỏe. Những nơi thiên nhiên nhiều cỏ cây như núi rừng, khu vực bờ biển, thác nước, sông suối… thường có hàm lượng ion âm khá cao (gấp 20-50 lần khu vực công viên trong thành phố). Còn những nơi có nhiều nhà máy, phòng ở, văn phòng làm việc thì lượng ion âm khá thấp. Thậm chí trong các văn phòng làm việc có máy lạnh, máy tính, nồng độ ion âm còn thấp hơn nhiều, thậm chí bằng không. Nguyên nhân là do các thiết bị như máy lạnh, máy in, máy tính, máy photocopy, ánh sáng đèn huỳnh quang, điện thoại… phát ra nhiều ion dương. 

Nếu ở trong một môi trường thiếu ion âm và thừa ion dương sẽ sinh ra cảm giác khó thở, tinh thần bất an, stress, phát sinh bệnh tật. Do đó, nhiều nước phát minh các thiết bị phát ra ion âm để làm sạch không khí. Sản phẩm miếng dán trên phát ra ion âm cũng có chức năng làm sạch không khí tương tự. Nhưng vì đó chỉ là một miếng dán nhỏ nên khả năng phát ra ion âm rất thấp. 

Còn nếu miếng dán được làm bằng chì thì bản thân chì chính là vật liệu cản bức xạ sóng điện từ. Ví dụ như tại các phòng chụp X-quang, để cản bức xạ gây hại này, người ta thường thiết kế cửa đóng bằng chì. Nếu con người muốn cản hoàn toàn bức xạ gây hại xung quanh thì phải mặc trang phục chì hoặc được bao bọc bằng chì. Một cục chì nhỏ gắn vào điện thoại không có khả năng chống được các bức xạ gây hại. 

Thực ra không chỉ điện thoại và máy tính phát ra bức xạ điện từ. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, mọi vật đều có thể phát ra bức xạ điện từ, do dao động nhiệt của các phân tử hay nguyên tử hoặc cấu tạo hạt tạo nên chúng. Tùy mỗi vật dụng sẽ phát ra bức xạ điện từ khác nhau. Lượng bức xạ điện từ trong các thiết bị điện nói chung phát ra phụ thuộc vào bước sóng, tần số phát. Bước sóng càng dài thì tần suất bức xạ phát ra càng thấp.

Chẳng hạn, các đài phát thanh, truyền hình sử dụng sóng điện từ có bước sóng dài nên bức xạ phát ra không ảnh hưởng nhiều đến con người. Còn điện thoại di động, máy tính, lò vi sóng… sử dụng sóng điện từ có bước sóng rất ngắn nên bức xạ phát ra gây hại. Có thể thấy, bức xạ không nằm trên chiếc điện thoại hay ti vi mà phát ra từ các bước sóng. Giả sử miếng dán này có thể hấp thụ được bức xạ sóng điện từ thì khi đó, điện thoại sẽ không thể liên lạc được hoặc máy tính sẽ không hoạt động được.  


Chưa được kiểm chứng hiệu quả

Gọi các sản phẩm này là các loại miếng dán màn hình, kính đeo cản bức xạ ánh sáng từ điện thoại, máy tính, giúp người dùng đỡ mỏi mắt nghe hợp lý hơn tên gọi “miếng dán chống bức xạ sóng điện từ” do ánh sáng trên màn hình ti vi, điện thoại đều là ánh sáng xanh chứ không phải ánh sáng trắng, loại ánh sáng này khiến mắt điều tiết nhiều hơn, gây mỏi mắt. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai kiểm chứng hiệu quả các miếng dán này cản được bao nhiêu lượng ánh sáng, có gây hại gì cho mắt hay không. 

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa TPHCM

Theo Báo điện tử Phụ nữ TP HCM