Trong đó, sản phẩm Nanofat quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sĩ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm...

Cẩn trọng với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi trên một số website

Thông tin của Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua trên các website: satochichinhhang.vn; chuyensuckhoesacdep.com/satochi/; https://chonmuatot.com/vien-sui-satochi-co-tot-khong/ có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi do công ty CÔNG TY CỔ PHẦN BUTABA (địa chỉ trụ sở chính: Tầng 2 tòa nhà HH1, ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) sở hữu Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Nanofast quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua trên các website https://songvuikhoe.vn/, https://khoedep365.net/nano-fast/, https://chuyensuckhoesacdep.com/nano-fast/ có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Nanofast quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sĩ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này được Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam (địa chỉ: Số 142B Đê La Thành, phường Thổ Quan, Đống Đa, HN) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website và mạng xã hội nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Satochi và Nanofast gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và kinh tế.  

Trước các thông tin quảng cáo sai sự thật gây hiểu lầm cho người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho biết, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Thực phẩm BVSK chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng diệt virus, trị cảm cúm...

Quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm BVSK gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 20.000.000-30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.

Theo Sức khỏe & Đời sống