Ngày 26/11, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Tình trạng người nổi tiếng (diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ), nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng (KOLs) quảng bá mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội ngày càng nhiều, nhưng không ít sản phẩm còn “nhập nhèm” về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Chú thích ảnh

Theo Bộ Công thương, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

“Thực tế, những sản phẩm, hình ảnh được quảng bá trên mạng đang khiến người mua khó phân biệt là thật giả. Bộ Công Thương cũng không có chức năng kiểm tra, thẩm định. Hơn nữa, không ít đối tượng trung gian, lấy sản phẩm đăng lên website, trang Facebook cá nhân, nhưng khi có đơn hàng lại đem đi lấy hoặc đặt chỗ khác. Vì vậy, lực lượng chức năng đã gặp không ít khó khăn khi xử lý, vì phải có chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật đã bị Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Quan trọng nhất là phải tìm ra được nguồn gốc sản phẩm, kho hàng. Năm 2018, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cung cấp cho lực lượng quản lý thị trường khoảng 300 trường hợp các website vi phạm liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT), với tổng mức xử phạt khoảng 6 tỷ đồng.

Năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. 

Đề cập về thị trường mỹ phẩm giả hiện nay, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi xin kiến nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng với Cục Quản lý cạnh tranh sớm đưa ra các quy định liên quan đến việc bảo vệ thương quyền, kinh doanh hàng giả trên mạng, các quy định về trách nhiệm cụ thể của sàn giao dịch TMĐT khi đối tác kinh doanh trên sàn của họ; phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh và nộp thuế cho Chính phủ từ những người tham gia kinh doanh mỹ phẩm và phải tuân thủ theo các quy định kinh doanh hàng mỹ phẩm như có công bố mỹ phẩm từ Bộ Y tế khi tham gia giao dịch kinh doanh”, bà Tuyết Trinh cho biết.

Chia sẻ tại Diễn đàn thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 26/11, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: Có trường hợp bán hàng tại Việt Nam, nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi, nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

“Nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng Internet ngày càng cao. Tuy nhiên, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng”, ông Hoàng Ánh Dương khẳng định.

Theo Báo Tin tức/ TTXVN