Chú thích ảnh

Ông Trần Chí Lời, ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) kiểm tra sự sinh trưởng của cua được nuôi theo hình thức công nghiệp. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Theo Hội Thuỷ sản huyện Năm Căn, với chất lượng vượt trội, từ lâu cua Năm Căn được mệnh danh là cua ngon nhất ở tỉnh Cà Mau. Từ đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau vào năm 2015 và Hội Thủy sản huyện Năm Căn là đơn vị được trao quyền làm chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này. Tuy nhiên, nhãn hiệu tập thể này đang bị xâm phạm.

Theo đó, Hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau thành lập vào cuối năm 2017 và treo bảng hiệu “Cua biển Năm Căn - Cà Mau” ở khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn. Trước thực tế đó, tháng 1/2018, Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn làm đơn gửi Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau và các cơ quan có liên quan yêu cầu giải quyết việc hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau xâm phạm nhãn hiệu tập thể.

Sau đó, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau đã có văn trả lời và cho rằng thời điểm tiếp nhận đơn, hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau chưa phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh (có gắn bảng hiệu cua biển Năm Căn - Cà Mau), do đó chưa có hành vi gây nhầm lẫn hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Tuy nhiên, khi hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau đi vào hoạt động, Hội Thủy sản huyện Năm Căn đã chụp bảng hiệu và gửi các tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền giám định.

Kết quả giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (ngày 21/9/2018) xác định, dấu hiệu cua biển Năm Căn - Cà Mau gắn trên biển hiệu là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cua Năm Căn - Cà Mau đã được bảo hộ. Khi có kết quả giám định, Hội Thủy sản huyện Năm Căn một lần nữa yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau.

Tại cuộc làm việc giải quyết tranh chấp, ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau cho rằng, biển hiệu cua biển Năm Căn - Cà Mau khác với nhãn hiệu cua Năm Căn - Cà Mau. Việc hợp tác xã gắn biển hiệu là theo tên hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh và đã được cấp phép.

Tuy nhiên, với cách giải thích này của ông Lê Quốc Việt đã không được hội và cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Việt bày tỏ muốn tham gia là thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau, đồng thời, đề nghị các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, để hợp tác xã biết, tham gia thực hiện đúng theo quy chế quản lý nhãn hiệu. Tuy nhiên, sau đó ông Việt đổi ý, không tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau.

Đến ngày 15/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Năm Căn căn cứ vào các quy định hiện hành giải quyết việc tranh chấp nhãn hiệu cua Năm Căn - Cà Mau theo đúng quy định.

Tiếp sau đó, vào ngày 29/6, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn, cho biết, mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ của hợp tác xã G.V.H.B cua biển Năm Căn - Cà Mau. Hội mong sớm giải quyết tranh chấp này để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển thương hiệu cua Năm Căn - Cà Mau.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, hiện chỉ có khoảng 10 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau.

Vấn đề này, ông Trần Hoàng Nhỏ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, cho rằng, hiện nay, chi phí cho cua được dán tem bảo hộ nhãn hiệu tập thể cao hơn so với cua không dán tem. Từ đó, chưa thu hút được nông dân, cơ sở kinh doanh tham gia. Ngoài ra, khi tham gia đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể có một số ràng buộc nhất định, điều này cũng khiến nhiều người e ngại.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh lập hồ sơ, thủ tục chuyển nhãn hiệu hàng hóa tập thể cua Năm Căn - Cà Mau thành nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý.

Theo baotintuc