101 chiêu trò

Sắp tới sinh nhật con gái tròn 1 tuổi nên anh Nguyễn Hoài Nam ở Hà Đông, TP Hà Nội muốn mua vài món hải sản để tổ chức bữa tiệc gia đình. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn phức tạp nên anh không ra chợ mà lên mạng tìm mua hàng online. Anh Nam gõ từ khoá “Chợ hải sản”, ngay lập tức hàng trăm “gian hàng” bán hải sản trên mạng xã hội xuất hiện. Thấy một chủ tài khoản đăng hình ảnh những con tôm vừa to vừa tươi rói đang bơi trong chậu nước, quảng cáo giá cả phải chăng, vận chuyển nhanh chóng nên anh Nam gọi điện cho người này đặt hàng.

Qua những lời lẽ như rót mật vào tai, anh Nam chuyển khoản trước 5 triệu đồng để đặt cọc mua tôm, cua, mực và cá. Theo lịch hẹn 24h sau anh Nam sẽ nhận được hàng. Tuy nhiên, hết ngày hôm sau, anh Nam đợi mãi vẫn chẳng thấy tôm cua đâu, gọi điện thì số điện thoại kia đã không thể liên lạc được nữa.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hương ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Bây giờ người bán hàng qua mạng có quá nhiều chiêu trò, người mua không biết đâu mà lần. Họ lấy ảnh hàng chuẩn đăng lên mạng xã hội nhằm tạo lòng tin với khách hàng.Nhưng khi giao hàng lại là hàng nhái hoặc kém chất lượng. Khách phản hồi, khiếu nại thì chậm phản hồi, né tránh trách nhiệm, rằng lần sau mua hàng sẽ bù, hoặc khăng khăng hàng đã giao chuẩn như trong ảnh…

“Có lần tôi thấy một chủ tài khoản đăng bán bộ váy rất đẹp lại rẻ nên đặt mua. Ai dè cuối cùng họ giao cái váy nhăn nhúm, còn không bằng hàng thùng, không thể mặc nổi. Tôi phản hồi thì người bán buông luôn 1 câu:Tiền nào của đấy, muốn đẹp, tốt thì ra cửa hàng to mà mua”, chị Hương nói.

Chỉ nên mua hàng tại website rõ ràng

Liên quan đến việc lừa đảo trên mạng xã hội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng...

Chị Hương cho hay, có những shop cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán, không ưng thì hoàn lại với điều kiện khách phải chịu phí vận chuyển. Tuy nhiên, không ít shop xài chiêu bọc hàng thật kĩ bằng nhiều lớp giấy gói và băng dính, khiến khách hàng ngại mở ra kiểm. Hoặc khách đi vắng, ship lại gửi đồ ở đâu đó theo yêu cầu của khách, thành ra không kiểm hàng trước khi nhận.

“Mới đây tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay khi gặp phải shop bán hàng kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Chả là tôi đặt mua online 2 chiếc vòng tay bằng đá phong thuỷ tại 1 shop có địa chỉ đường 19/5, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Giá mỗi chiếc vòng hơn 2 triệu đồng. Tôi thấy shop ghi rõ địa chỉ, kèm số điện thoại, lại cam kết cho đổi nếu không vừa nên tin tưởng chuyển tiền mua hàng”.

“Ai ngờ, tôi đặt hàng size 16 thì lại chuyển size 18, đá cũng không đẹp như trong ảnh. Khi tôi liên hệ yêu cầu đổi thì shop lần lữa, chậm phản hồi, rồi không nghe điện thoại. Cảm thấy bị lừa, tôi nhờ người quen đến tìm hiểu địa chỉ trên thì hoá ra, đó là 1 siêu thị tiện ích và không hề có ai bán đá phong thuỷ” - chị Hương ngậm ngùi.

Chuyên gia khuyến cáo gì? 

Trao đổi với PV, Luật sư Lâm Thị Mai Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, hiện nay tình trạng một số đối tượng lên mạng xã hội “chôm” ảnh, thông tin hàng hoá của những shop có chất lượng uy tín, sau đó đưa về trang facebook của mình để rao bán rất phổ biến.Thủ đoạn của các đối tượng thường là yêu cầu người mua hàng đặt cọc nhưng không giao hàng,“bùng” tiền của khách hoặc giao hàng kém chất lượng không đúng với cam kết.

Đối với trường hợp hàng hoá kém chất lượng, người bán cố tình không để lại địa chỉ, số điện thoại, người mua chỉ giao dịch với shipper. Vì thế khi nhận hàng, nếu không kiểm tra thì khách sẽ không thể phản hồi được.

Để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng qua mạng, người mua nên tìm các shop có uy tín, kiểm tra các thông tin phản hồi (comment) phía dưới của shop rao bán. Trường hợp shop chặn phần phản hồi thì nên cảnh giác. Ngoài ra, khi nhận hàng cần kiểm tra trước, kiểm tra trực tiếp, không nên nhờ người khác . Luật sư Lâm Thị Mai Anh

 Khi bán hàng online 'treo đầu dê bán thịt chó' ảnh 1

Luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 38/2021 ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích bị xâm phạm từ hành vi quảng cáo sai sự thật, xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình, gây ra thiệt hại thì có quyền khởi kiện yêu cầu chủ thể có hành vi quảng cáo sai sự thật cải chính, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại, theo Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự.

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị xử lý hình sự đối với cá nhân tái phạm, theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015.

 Khi bán hàng online 'treo đầu dê bán thịt chó' ảnh 2
 Khi bán hàng online 'treo đầu dê bán thịt chó' ảnh 3

Nội dung anh Nam trao đổi mua tôm nhưng kẻ bán mất tích

Theo Tiền Phong online