6.000 đồng mua được hàng Anh, Mỹ, Nhật, Thái…?

Không khó để có thể mua được các sản phẩm này trên thị trường, từ sạp chợ, quầy tạp hóa đến các chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm cho mẹ và bé. "Thượng vàng hạ cám" nên nguồn gốc, chất lượng vẫn bị thả nổi.

Ghé một sạp ở chợ Thái Bình (quận 1, TPHCM), người bán giới thiệu với chúng tôi đủ loại túi ăn dặm dành thương hiệu Pigeon của Nhật. Tùy theo sản phẩm có một hoặc hai túi nhai mà có giá chỉ từ 26.000 - 32.000 đồng/sản phẩm. Sản phẩm không hề có nhãn phụ, thông tin đơn vị nhập khẩu phân phối, thậm chí dòng chữ “Made in Japan” có dấu hiệu được in chồng lên một dòng chữ nào đó đã bị bong tróc.

Tại một số cửa hàng bên hông chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10)... hàng loạt đồ ngậm nướu với đủ hình dáng các con thú ngộ nghĩnh của nhiều thương hiệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Ange, Kichilachi… được bày bán với giá rất rẻ, chỉ từ 52.000 - 102.000 đồng/sản phẩm. Quan sát sản phẩm đồ ngậm nướu hình chuối của Ange, các dòng chữ Hàn Quốc in trên sản phẩm bị nhòe, chỗ đậm chỗ nhạt. Người bán nói rằng đây là sản phẩm xách tay nên không có nhãn phụ. Theo giới thiệu thì trên sản phẩm có mã code QR, dùng điện thoại quét sẽ thấy thông tin nhà sản xuất; song chúng tôi quét thử nhiều lần đều nhận thông báo bị lỗi vì mã quá nhòe.

Các dòng chữ tiếng Hàn trên sản phẩm in chỗ đậm chỗ lợt không rõ ràng
Các dòng chữ tiếng Hàn trên sản phẩm in chỗ đậm chỗ nhạt không rõ ràng

Không chỉ tại chợ, sản phẩm tại nhiều cửa hàng bán đồ dùng cho mẹ và bé trên trục đường Võ Văn Tần (quận 3), các cũng không hề có nhãn phụ theo quy định với lý do "hàng xách tay" (?). 

Không chỉ nhập nhèm về nguồn gốc mà các sản phẩm này có sự chênh lệch khá lớn về giá cả, nhất là tại kênh bán hàng online. Nếu như sản phẩm ngậm nướu Ange được bán tại các cửa hàng lớn có giá đến 152.000 - 190.000 đồng/sản phẩm, tại các chợ chỉ có giá 102.000 đồng/sản phẩm, còn trên “chợ mạng” thì chỉ có giá 57.000 đồng. Thậm chí, nhiều túi ăn dặm thương hiệu Disney được cho là hàng Thái Lan nhưng chỉ có giá… 6.000 đồng/sản phẩm (giá gốc 9.000 đồng, đã giảm 33%).

Nhiều sản phẩm bán trên mạng thương mại điện chỉ có 6.000 đồng
Nhiều sản phẩm bán trên mạng thương mại điện chỉ có 6.000 đồng

Nhiều trang bán hàng trực tuyến còn đua nhau công bố thanh lý nhóm hàng này với giá rẻ. Các sản phẩm hàng hiệu như Nuk của Đức, Tigex Pháp, Kidsme của Anh… được bán thanh lý với giá chỉ 100.000 đồng/sản phẩm. 

Khó phân biệt hàng chính hãng

Nhiều bà mẹ chỉ giật mình khi nhận ra sản phẩm mình mua cho con lại xuất hiện trong các kho hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng triệt phá. Mới nhất là một doanh nghiệp tại Bắc Ninh vốn được xem là đầu mối phân phối thiết bị y tế lớn nhất tỉnh này bị quản lý thị trường phát hiện có nhiều lô hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn...; trong đó có các sản phẩm dành cho mẹ và bé như Kichilachi, Top-Hana; KichiDo, KichiGo.... 

Cuối năm ngoái, chính tại doanh nghiệp này, khi kiểm tra kho chứa hàng, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục tấn y tế, đồ dùng trẻ em có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại được doanh nghiệp khai báo nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Nhiều sản phẩm thương hiệu Hàn, Nhật được công ty Hải Nam nhập từ Trung Quốc, có dấu hiệu gian lận xuất xứ. Ảnh: quản lý thị ttrường Bắc Ninh
Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Hàn, Nhật được Công ty Hải Nam nhập từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ - Ảnh: Quản lý thị ttrường Bắc Ninh

Sự gian lận về nguồn gốc làm dấy lên những lo ngại về chất lượng các sản phẩm này. Theo tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, để các miếng cắn nướu, túi ăn dặm, vòng mọc răng dẻo hơn, mềm hơn mà giá thành rẻ thì nhà sản xuất sẽ cho vào đó một chất tên là Phthalates. Do chất này không tạo được bất kỳ liên kết hóa học nào với nhựa nên sẽ dễ thoát ra ngoài sản phẩm để vào cơ thể của trẻ, nhất là sản phẩm đã sử dụng lâu ngày hoặc chịu nhiều sự tác động của nhiệt độ, ánh sáng. Cho nên, việc đem sản phẩm trụng qua nước sôi mà nhiều bà mẹ cho rằng sẽ an toàn, khử trùng chỉ càng làm cho phthalates thoát ra khỏi nhựa.

“Hợp chất này bị cấm sử dụng tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…” - tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy cho biết.

Bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Trung - Phó trưởng khoa Nhi sơ sinh và Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc thông tin thêm, cách đây vài năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát hiện chất hóa học có tên MBT (tên đầy đủ là 2-mercaptobenzothiazole), có mặt trong bao cao su, núm vú giả, găng tay cao su, lốp xe, dây buộc tóc nhựa và nhiều sản phẩm từ nhựa khác. Và đây là một chất có khả năng gây ung thư.

Tương tự, Hiệp hội Hóa học Mỹ cũng từng đưa ra cảnh báo sau khi các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 59 loại vòng mọc răng và núm vú giả dạng rắn và gel có chứa chất cấm. Theo đó, 100% núm vú giả được kiểm tra chứa Bisphenol A (BPA), Bisphenol S (BPS) hoặc Bisephenol F (BPF) - được gọi là hóa chất độc hại gây phá vỡ nội tiết và paraben. Hóa chất độc hại gây phá vỡ nội tiết (EDCs) được tìm thấy trong hàng ngàn sản phẩm hàng ngày từ hộp nhựa và thực phẩm kim loại dùng trong chất tẩy rửa, chất chống cháy, đồ chơi và mỹ phẩm. Các hóa chất này vô tình gây rối loạn thần kinh và tự kỷ cũng như ảnh hưởng đến chỉ số IQ cho người sử dụng.

“Không nói về mặt chất lượng, các sản phẩm này không cần thiết cho trẻ vì nó là ổ vi khuẩn, vệ sinh không kỹ có thể gây nhiễm trùng đường tiêu hóa của trẻ; thay đổi áp suất miệng và tai của trẻ nếu trẻ nút, mút quá nhiều…” - bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Trung nói.

Theo Báo điện tử Phụ nữ TP HCM