Hàng xách tay từ lâu đã là đường tiểu ngạch để rất nhiều sản phẩm đi vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại hàng hoá gắn mác "xách tay” không có nhãn phụ, hoá đơn xuất xứ, không được kiểm nghiệm chất lượng đang được rao bán tràn lan trên thị trường.

Loạn giá hàng xách tay

Theo khảo sát, hiện các mặt hàng gắn mác "xách tay" được rao bán tràn lan chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…

Phần lớn những sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Đáng nói, mức giá các sản phẩm xách tay đang được rao bán khá chênh lệch. Đơn cử, sữa Meiji hàng nhập khẩu Nhật Bản cho trẻ 0-1 tuổi giá bán 470.000-550.000 đồng/hộp 800 gram thì loại xách tay được dân kinh doanh online bán với giá 600.000-700.000 đồng/hộp. Hay serum của hãng mỹ phẩm Estee Lauder có giá niêm yết 3,4 triệu đồng/lọ 50ml, thì hàng xách tay cùng loại chỉ khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/lọ.

Nhon nhao thi truong hang xach tay anh 1

Các mặt hàng xách tay chủ yếu là mỹ phẩm, sữa, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…

Cùng một sản phẩm nhưng mỗi người bán một mức giá khác nhau, ai cũng khẳng định hàng của mình là sản phẩm xách tay chính hãng. Chị Hương Thảo, du học sinh tại Nhật Bản khá bất ngờ khi nhiều loại mỹ phẩm Nhật được bán ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với giá gốc.

“Hàng xách tay không thể có giá rẻ hơn giá gốc. Nếu muốn có lãi, người bán phải tính thêm nhiều loại phí, như phí vận chuyển, công mua hàng... Trừ khi đó là hàng nhập trôi nổi về theo container”, chị Thảo khẳng định.

"Tham khảo giá sữa trẻ em xách tay cùng một loại ở nhiều nơi nhưng mỗi nơi lại bán giá khác nhau khiến tôi không biết đâu là hàng xách tay thật", chị Lam (Đống Đa, Hà Nội) nói.

Bên cạnh các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hút khách, các mặt hàng điện tử như điện thoại di động, laptop cũng được gắn mác hàng xách tay bán với giá rẻ hơn so với các nơi phân phối chính thức từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Chẳng hạn, iPhone Xs Max loại 256GB xách tay từ Nhật Bản chỉ khoảng 13-14 triệu đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng bán tại FPT Shop lên đến hơn 25 triệu đồng.

Không chỉ trên chợ mạng, hiện nay hàng xách tay không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cũng được bán tràn lan ở các cửa hàng. Một số nơi bán với số lượng nhiều trong khi thực tế, hàng xách tay được đưa về nước khá hạn chế do các quy định về hải quan khi vận chuyển qua đường hàng không.

Hàng xách tay không hoá đơn sẽ bị quy là hàng lậu

Chị Nga, chủ một đại lý sữa trên đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết hàng xách tay đặc biệt là sữa xách tay về thường không có nhiều, dễ bị các loại sữa giả, sữa kém chất lượng trà trộn. Thậm chí có rất nhiều sản phẩm được gắn mác các hãng nổi tiếng nhưng lại được “xách tay” từ Trung Quốc về.

Theo chị, hàng xách tay là nhóm hàng nhập khẩu không chính thức, không phân phối và bảo hành chính hãng, không hướng dẫn sử dụng chính xác, nhiều nơi còn không hoá đơn, chứng từ.

"Không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, sữa trẻ em…", chủ đại lý cho hay.

Nhon nhao thi truong hang xach tay anh 2

Sữa trẻ em gắn mác "xách tay” không có nhãn phụ, hoá đơn xuất xứ, không được kiểm nghiệm chất lượng đang được rao bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Hương Thảo.

Theo chị Khánh Ly (Hà Đông, Hà Nội), hàng xách tay đặc biệt là thuốc, thực phẩm chức năng cần phải có chỉ dẫn thật cụ thể chính xác bởi nếu sử dụng sai liều lượng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

Trước tình hình buôn bán tràn lan của mặt hàng xách tay, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15/10.

Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… thì phạt tiền gấp 2 lần tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức.

Vì thế, kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan có giá trị 100 triệu đồng bị phạt tới 200 triệu.

Bên cạnh đó, Nghị định nêu rõ hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Như vậy, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu.

Theo Zing News