Người vay vốn bị lừa mất tiền oan, trong khi vốn thì không có, phía ngân hàng cũng bị giả mạo thương hiệu gây mất uy tín.

Trá hình lừa đảo

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn hòng lợi dụng uy tín của Ngân hàng nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Câu chuyện về bà H. (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình khi nạn nhân bị lừa cho đến từng đồng cuối cùng. Cần vốn làm ăn, thấy trên mạng quảng cáo cho vay tiền không cần chứng minh thu nhập và tài sản thế chấp, thủ tục nhanh chóng, giải ngân tức khắc, nên bà H. đã lân la hỏi thăm. 

Đối tượng bên kia tự xưng là cán bộ của ngân hàng, cam kết cho bà H. vay 100 triệu chỉ cần gửi ảnh sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, phí hồ sơ tính theo gói vay là 10,5 triệu đồng, nếu đồng ý thì bà H. phải đặt cọc 50% phí để giải ngân. 

Rất tin tưởng, bà H liền đóng 5.250.000 triệu đồng và ngay lập tức nhận được tin nhắn giả đầu số ngân hàng là hồ sơ đã được phê duyệt. Chắc mẩm ngồi đợi tiền về, bà H tiếp tục nhận được yêu cầu phải đóng trước một tháng tiền lãi là khoảng 4 triệu đồng và phí bảo hiểm 6,85 triệu nữa thì hoàn tất thủ tục. 

Để thuyết phục bà H., đối tượng lừa đảo đã gửi cho bà ảnh chụp cái gọi là “hợp đồng tín dụng”, có đóng dấu đỏ lòe logo của ngân hàng với nội dung đã phê duyệt khoản vay của bà H., có hiệu lực từ ngày 2/10/2020. Mê muội nghe theo, bà H. đã chuyển tiếp số tiền theo các khoản mà “bên ngân hàng” đòi hỏi. Thế nhưng, tiền đóng xong, phía bên kia khóa luôn điện thoại, cho đến giờ, ngồi dài cổ đợi cả tuần nay, tiền chẳng thấy đây, người cũng không tìm được, bà H. mới biết mình đã bị lừa một cách cay đắng.

Trường hợp chị L. một công nhân ở Bình Dương cũng tương tự. Lương công nhân 3 cọc 3 đồng, dành dụm mãi vẫn không đủ tiền gửi về cho bố mẹ ở quê sửa nhà, chị cũng đôn đáo tìm nơi vay mượn cho kịp ngày cất nóc. Một lần lang thang trên mạng, bắt gặp lời giới thiệu cho vay tiền không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư khiến chị như chết đuối vớ được cọc. 

Nhiều ngân hàng bị đối tượng giả mạo để lừa đảo.

Sau khi hỏi han, chị được một người tự giới thiệu là cán bộ của Ngân hàng Quân đội (MB), hứa cho vay 20 triệu đồng, giải ngân ngay lập tức. Tuy nhiên, để được xét duyệt, người tự xưng là cán bộ ngân hàng này yêu cầu chị chuyển 1 triệu đồng gọi là tiền phí nộp hồ sơ. Sau khi nhận được 1 triệu do chị L. chuyển, phía bên kia lại yêu cầu chị chuyển tiếp 2 triệu tiền phí bảo hiểm để giải ngân. 

Cũng may trong tay không có tiền, nên chị L mặc cả khi nào giải ngân thì trừ luôn tiền bảo hiểm trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi thấy chị L. “rắn”, đối tượng bên kia biết không thể lừa được đã chặn nick của chị L. luôn. Lúc này, chị L. mới biết mình bị lừa, may mà số tiền bị mất không quá lớn, với lại thân là công nhân, ngại va chạm, nên chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không biết và cũng không dám tố cáo ai.

Ngân hàng cảnh báo

Lướt trên mạng, những lời quảng cáo vay tiền không cần thế chấp nhan nhản. Dù thực tế thủ đoạn này không hề mới, và đã có nhiều người bị lừa trước đó, cũng như truyền thông đã nhiều lần cảnh báo, nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục sử dụng và vẫn nhiều con mồi mắc bẫy. 

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng nhu cầu vay tiền thực sự của nhiều người dân, trong khi các tiêu chí tín dụng như tài sản thế chấp hay phương án kinh doanh không có, hoặc chỉ đơn giản là “ngại” đến ngân hàng với các thủ tục hồ sơ nhiêu khê, “bẫy” con mồi bằng những hình thức tinh vi như làm giả các hợp đồng của các ngân hàng, giả mạo đầu số điện thoại để nhắn tin tạo sự tin tưởng. Do thiếu hiểu biết, nhiều người đã mắc bẫy dù các hợp đồng hay số điện thoại giả mạo nếu nhìn vào, chỉ cần tỉnh táo một chút, là thấy không ổn. 

Trong một thông tin cảnh báo của mình, Ngân hàng BIDV cho biết, thời gian gần đây có xảy ra vụ việc một số đối tượng giả mạo là cán bộ của BIDV để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Khách hàng, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Ngân hàng. 

Thủ đoạn được sử dụng là các đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV gửi cho Khách hàng qua Zalo, Facebook… để giả danh là cán bộ BIDV. Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho khách hàng vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro” từ 1-2 triệu đồng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên. 

Ngay sau khi nhận được số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa. “BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Trường hợp phát sinh nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, khách hàng có thể tiếp cận thông qua trang web chính thức của BIDV, Tổng đài hỗ trợ hoặc đến điểm giao dịch gần nhất của BIDV để được cán bộ tiếp đón”

Tương tự, trong cảnh báo của mình, Techcombank khẳng định ngân hàng không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay, đây là quảng cáo giả mạo. Quy trình vay vốn luôn được ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng để được giải ngân theo quy định. 

“Khách hàng tuyệt đối lưu ý không đặt lòng tin với các loại hình quảng cáo cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn, thanh lý hồ sơ vay vốn, được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, các ứng dụng chat Zalo hoặc qua bất cứ trung gian nào; không liên lạc với những lời mời chào khoản vay vốn từ các quảng cáo qua mạng- đây hoàn toàn có thể là đối tượng lừa đảo; và liên lạc trực tiếp với Techcombank qua các kênh thông tin chính thức”, ngân hàng khuyến cáo.

Theo Công an Nhân dân