Các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook tái diễn ngày càng nhiều. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết đây là những chiêu trò lừa đảo không mới. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn nhẹ dạ, cả tin, trở thành nạn nhân và phải gánh trên vai những khoản nợ không biết đến bao giờ mới trả hết.

Gọi điện thông báo trúng thưởng

Hình thức rất phổ biến của chiêu thức này là người tiêu dùng nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của Công ty X nào đó thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, khi gọi điện đến, các đối tượng đều tự xưng là người của nhà Đài, cơ quan chức năng có uy tín hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, số zalo,...

Người tiêu dùng không hề tìm hiểu, kiểm chứng mà liên hệ ngay số điện thoại đã được đối tượng lạ cung cấp và làm theo hướng dẫn. Cũng có những người tiêu dùng tìm hiểu thông tin nói trên bằng công cụ google, dù không tra được kết quả rõ ràng nhưng vẫn mù quáng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lạ. 

Vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu người tiêu dùng phải đóng vài triệu làm tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó, người tiêu dùng đã ngay lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Cảnh báo 3 chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại, mạng xã hội - Ảnh 1.

Các chiêu thức lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh minh họa

Mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng

Sau khi được thông báo trúng thưởng, ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ người tiêu dùng mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều mã, càng trúng thưởng nhiều, số tiền trúng thưởng càng lớn.

Người tiêu dùng cũng không tìm hiểu, xác minh thông tin, tiếp tục đặt mua những sản phẩm với trị giá cao từ vài triệu đến hơn chục triệu với mong muốn trúng được nhiều phần thưởng.

Điển hình là trường hợp của người tiêu dùng N.T.H ở Gia Lai vào tháng 5/2021. Anh H. nhận thông báo trúng thưởng qua điện thoại của đối tượng tự xưng là đại diện của 1 Công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, trị giá giải thưởng là 35 triệu đồng. Anh H. có thể nhận sản phẩm hoặc quy đổi sang tiền mặt trị giá 30 triệu đồng. Để nhận được giải thưởng, anh H phải mua 1 sản phẩm coi như là nộp thuế. Anh H đã xác nhận nhận trả thưởng bằng tiền mặt và đồng ý mua sản phẩm để nhận mã trúng thưởng. 

Tuy nhiên trong 4 lần được mời chào mua sản phẩm, tổng giá trị hàng đã lên đến 16,3 triệu đồng, anh H vẫn không nhận được tiền thưởng. Đến lần thứ 5, thứ 6, anh H tiếp tục được mời chào mua sản phẩm nhưng hỏi đến tiền thưởng thì đối tượng lừa đảo chỉ trả lời vòng vo và thông báo anh H chưa đủ điều kiện để nhận tiền thưởng.

Cảnh báo 3 chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại, mạng xã hội - Ảnh 2.

Nhắn tin trúng thưởng qua Facebook

Nhắn tin trúng thưởng qua Facebook

Người tiêu dùng nhận được thông báo trúng thưởng qua tin nhắn messenger của Facebook với nội dung: "Xin chúc mừng tài khoản messenger….. đã may mắn nhận được giải nhất/giải đặc biệt từ sự kiện Tuần lễ tri ân khách hàng… ". Nhằm tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn còn thông báo đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị người nhận không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai.

Chị N.T.V ở Long An đã gọi đến Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để kêu cứu. Cụ thể, sau khi nhận được thông báo trúng thưởng trong tin nhắn messenger, chị V đã làm theo hướng dẫn. Chị đã gọi lại tổng đài của messenger, có người nhấc máy và tự xưng là Phó giám đốc bộ phận CSKH của Facebook Việt Nam và cung cấp cho chị cả số di động để phòng khi tổng đài bận. 

Tin tưởng và làm theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ nhận thưởng, chị V đã nộp một khoản “thuế nhà nước” là 3 triệu đồng. Sau đó, chị V còn được yêu cầu nộp tiền nhiều lần để làm thuế trước bạ nhận xe máy, tiền thuế thu nhập cá nhân cùng rất nhiều chi phí khác,… Chị V đã giấu chồng đi vay mượn tiền khắp nơi với hy vọng khi nhận được 200 triệu đồng tiền thưởng sẽ trả nợ. Khi số tiền đã nộp lên đến hơn 100 triệu đồng, chị V không thể liên lạc được với số điện thoại tổng đài cũng như di động của vị phó giám đốc kia nữa.

Trường hợp của chị V chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người tiêu dùng sau khi bị lừa nộp một khoản tiền nhất định thì không thể liên hệ được với số của tổng đài trong tin nhắn. 

Dù chiêu thức lừa đảo không mới, nhưng không ít người tiêu dùng đã sập bẫy kẻ xấu. Hầu hết những hình thức lừa đảo này đều đánh vào lòng tham của người tiêu dùng đối với số tiền thưởng lớn hoặc sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng khi nghe giải thưởng do các công ty lớn trao như: Thế giới Samsung, Thế giới di động, Siêu thị Điện máy; giải thưởng được cấp phép hoặc gắn mác các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh,…

Theo Phụ nữ Việt Nam