“Tôi nghĩ ngắn gọn là thay nền nông nghiệp quá chú trọng vào số lượng và sản lượng của một loại cây trồng sang nền nông nghiệp giá trị dựa trên chất lượng và các giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng. Đấy là con đường mới có thể giải bài toán đang bị bí hiện nay ở ĐBSCL.”- TS. Hoàng Quốc Tuấn.

Giáo sư bày cách làm giàu trên cánh đồng ngập mặn

Cứu hạn cho ĐBSCL không chỉ trông chờ từ TQ

ĐBSCL đang đối mặt với nạn hạn hán và ngập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử 100 năm qua. Những biến đổi của thiên nhiên đang đặt cả nước trước bài toán mang tính sống còn.

VietNamNet giới thiệu phần 1 bàn tròn với GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ và TS Hoàng Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nam Bộ. Đây là hai chuyên gia đã gắn bó hang chục năm với ĐBSCL.

Cần GDP cao hơn cần nhiều lúa

Nhà báo Duy Chiến: Câu hỏi đầu tiên xin giành cho  GS – TS. Võ Tòng Xuân. Ông đã cho rằng, mặn không phải kẻ thù như chúng ta nghĩ. GS có thể nói rõ hơn lợi thế về vùng mặn ở đất nước có bờ biển dài như nước ta, đặc biệt là ĐBSCL?

GS – TS. Võ Tòng Xuân: Vùng ven biển của chúng ta có 3 thế mạnh. Thứ nhất phía gần đất liền hiện nay tương đối khá dùng cho SX nông nghiệp; thứ hai là rừng ngập mặn, thứ ba là nước mặn.

Chúng ta suy nghĩ về cây lúa thì nước mặn là kẻ thù. Nhưng nghĩ về thủy hải sản, như tôm cua, thì rõ ràng là đây là thế mạnh mà các tỉnh trong đất liền không có. Tôi còn nhớ hồi tôi là ĐBQH làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ của QH, có lần tôi đưa đoàn của Ủy ban thăm tỉnh Trà Vinh lúc mới tách ra. Tôi thấy các đồng chí lãnh đạo Trà Vinh buồn quá vì nguồn nước ngọt ở trên thuộc Vĩnh Long. Trà Vinh ở dưới này toàn nước mặn không biết làm gì mà sống. Tôi nói,  nước mặn là cái quý sao không làm ăn được. Mùa khô nước mặn nuôi tôm!

Tôi nhớ lúc đó anh Lê Minh Tùng, ĐB tỉnh An Giang nói: “Chúng tôi ở An Giang thèm nước mặn muốn chết mà không có. Các anh ở đây có mà không quý”. Sau đó Trà Vinh bắt đầu mở cho nuôi tôm. Thế là từ đó vào mùa khô hoạt động SX bắt đầu ì xèo, chứ không như những năm trước cứ phải chờ mưa xuống mới hoạt động.

Điều này cho thấy cái này không có gì là mới. Chỉ mới cái là giờ mình phải nghĩ tới lợi tức của bà con nông dân. Chúng ta đang rất tâm tư làm sao nông dân ta khá lên được. Trong ASEAN, trừ Lào, CPC và Myanmar ra thì VN đang có mức GDP thấp nhất. Trong TPP gồm 12 nước, chúng ta cũng ở mức thấp nhất. Cho nên tôi nghĩ tới Đại hội Đảng lần thứ 12 tôi rất mừng. Đây là Đại hội của Đổi mới.

Lúc trước chúng ta không dám bàn chuyện con tôm. Còn giờ ta phải nói, nước mặn cũng là thế mạnh. Trước đây mình không coi nó là thế mạnh, xem nó là kẻ thù cho nên cứ ngăn mặn để trồng lúa, để có nhiều lúa. Giờ chúng ta thấy chuyển sang giai đoạn mới, ta đang cần GDP cao hơn là có nhiều lúa. GDP ta đang thấp, cần tăng chứ lúa của ta dư quá nhiều, tới 7 – 8 triệu tấn/năm. Ta càng SX ra nhiều thì giá càng thấp. Phải giảm cung lại thì giá mới cao lên. Cho nên tôi mới mạnh dạn nói tới thế mạnh thứ 3 của vùng ngập mặn sẽ đem tới sự trù phú cho chúng ta, trước mắt là cho người nông dân đang sống ở vùng mặn.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc!

Nhà báo Duy Chiến: Thưa TS. Hoàng Quốc Tuấn, có nhiều ý kiến cho rằng, những khó khăn thiệt hại xảy ra hiện nay có phần do con người! Nguyên nhân đó là do tổ chức SX chưa phù hợp, chưa biết giữ gìn những kinh nghiệm của cha ông, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong khí đó lại áp dụng máy móc những điều không phù hợp vào vùng này, như đắp đê chẳng hạn… Ông bình luận như thế nào về những vấn đề này?

TS. Hoàng Quốc Tuấn: Trước hết để có giải pháp thiết thực, phù hợp với ĐBSCL, chúng ta phải nhìn nhận tổng quát và tìm hiểu sâu sắc, để có sự hiểu biết đầy đủ những vấn đề quan hệ đến thủy lợi và quan hệ SX ở từng vùng sinh thái.

Riêng về thách thức lớn nhất của ĐBSCL là ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra những nhu cầu về nước và các nhu cầu về phát triển KT gặp khó khăn, tất nhiên cũng nên có sự xem xét toàn diện hơn.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ khi đi kiểm tra tình hình ở ĐBSCL rằng, coi như ĐBSCL là một trường hợp thiên tai đặc biệt và cần huy động cả hệ thống chính trị và cả người dân cùng các bên liên quan để thực hiện. Tôi thấy có mấy việc.

{keywords}

TS Hoàng Quốc Tuấn (bên trái) và GS Võ Tòng Xuân (bên phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: VietNamNet

Việc đầu tiên như ý kiến của GS – TS Võ Tòng Xuân, tôi rất đồng tình,  đối với ĐBSCL phải xác định cái nào là lợi thế. Những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cái nào là hàng hóa chính có lợi thế cạnh tranh. Cái chúng tôi mong đợi là hiện nay chúng ta phải phân bổ các nguồn lực trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của từng loại để đầu tư, tổ chức thực hiện, cũng như tác động các biện pháp quan trọng như là biện pháp kỹ thuật, biện pháp chính sách, biện pháp về các chủ trương kết cấu hạ tầng.

Những bức xúc nhất của ĐBSCL như GS Xuân đã nêu,  chúng ta từ xưa đến nay quá tập trung vào sản phẩm chính là lúa gạo. Tất cả các phương tiện đại chúng đều cho rằng càng SX nhiều lúa gạo thì người dân không khá lên được. Và quá nhiều lúa gạo nên càng khó tiêu thụ và càng khó thực hiện các giải pháp nâng cao. Cho nên tôi rất đồng tình với GS Xuân là thay vì chỉ chú tâm cho lúa gạo thì nên chuyển sang phương thức SX mới nhằm tăng GDP.

Tôi nghĩ ngắn gọn là thay nền nông nghiệp quá chú trọng vào số lượng và sản lượng của một loại cây trồng sang nền nông nghiệp giá trị dựa trên chất lượng và các giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị giá tăng. Đấy là con đường mới có thể giải bài toán đang bị bí hiện nay ở ĐBSCL để giải quyết các vấn đề kèm theo.

Tôi làm ở ĐBSCL được 35 năm, rất muốn được như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhưng tôi nghĩ rằng hiện nay để giải quyết các vấn đề bức xúc về thâm nhập mặn và hạn hán ở ĐBSCL, gắn với việc bố trí lại hệ thống canh tác, phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của ĐBSCL, nên có hội nghị huy động tất cả trí tuệ tậm huyết của những người đã từng tham gia vào chuỗi giá trị những sản phẩm của ĐBSCL.

Tôi tổng kết những năm từ 80 – 85 khi đi những vùng ven biển tôi thấy người dân có rất nhiều kinh nghiệm. Tại sao ta nói bức xúc phải chở nước cho dân nhưng tôi sống dưới đó từ những năm 1978- 1982 tôi thấy người dân đã có giải pháp chủ động ứng phó từ trước, họ chủ động trữ nước cho sinh hoạt. Ngay ở Phú Tân, Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nhà nhà vẫn nuôi thủy sản nước ngọt, có vườn cây hiệu quả kinh tế rất cao. 

Các giải pháp thủy lợi sau này chúng ta làm mang tính phong trào chứ chưa phải đặt ra làm thủy lợi cho mục tiêu nào. Thủy lợi phục vụ thủy sản, hay kinh tế vườn, hay cho lúa phải rất rõ ràng. Tại vì mỗi đối tượng như thế đòi hỏi công trình và biện pháp quản ký khai thác công trình khác nhau để tránh tình trạng hiện nay chúng ta làm nhiều khi trở thành vấn đề thách thức.

Tôi mong muốn đối với ĐBSCL là vùng sinh thái đặc biệt. Cho nên thủy lợi, ngay cả về từ ngữ cũng vậy, cần phải thay đổi. Ngày xưa ta làm cống “ngăn mặn” nhưng bây giờ phải là cống “kiểm soát mặn ngọt”. Khi nuôi tôm ta cần lấy nước mặn, khi làm lúa ta cần nước ngọt. Ta phải kiểm soát mặn. Cho nên phải có giải pháp công trình kênh nào lấy nước, kênh nào đưa nước mặn vào nuôi tôm, kênh nào xử lý nước xả ra ngoài...Tránh tình trạng gây ra ô nhiễm cho các đối tượng chúng ta phát triển.

Hiện nay “ông” làm thủy lợi không thể nói là mình làm cho vùng này vùng kia mà phải nói làm cho đối tượng nào. Từng đối tượng đòi hỏi chất lượng nước ra làm sao khác nhau và thời gian dùng nước như thế nào. Trên cơ sở đó phải bàn thật kỹ để có giải pháp thực tiễn đáp ứng yêu cầu bức xúc của những người tham gia vào chuỗi SX của sản phẩm trong khu vực.

GS – TS. Võ Tòng Xuân: Anh Tuấn nói rất đúng. Gần như chúng ta chưa tổ chức cái gì cho bà con nông dân SX cho có hiệu quả. Nhìn lại gần như nông dân ta đang quá tự do. Họ chỉ làm một mình họ thôi. Muốn trồng cây gì, nuôi con gì thì nuôi, muốn chặt thì chặt. Cứ trồng rồi chặt liên hồi. Chính vì Nhà nước không tổ chức cho bà con. Có chăng chỉ lo tổ chức trồng lúa.Mấy hôm rày có ý nói nuôi tôm cũng có người sạt nghiệp luôn. Thì đúng như vậy bởi công trình người ta làm để giữ ngọt ngăn mặn thì ông nông dân tối ra bửa đập lấy nước nuôi tôm. Ruộng tôm ông này thải nước ra ruộng ông kia lấy nước vô thì sao không bị dịch bệnh, sao không phá sản?

Vấn đề của chúng ta hiện nay, tôi nghĩ, đây là thời điểm Đảng và Nhà nước xem như cơ hội để chúng ta suy nghĩ xem xét và chọn lựa lại làm sao chúng ta sử dụng tài nguyên một cách kinh tế  để tăng GDP của VN lên, tăng lợi tức cho nông dân.

Chúng ta đã từng bỏ qua cơ hội rất lớn. Từ năm 1993 chúng ta bắt đầu phát triển nuôi tôm rồi, nhưng do chính sách của chúng ta chỉ lo cho lúa, nên tôm không được đầu tư. Ngành thủy lợi thực ra không được quyền thiết kế cho nuôi tôm được vì chủ trương không mở ra. Tôi đồng tình với ý kiến rằng, chúng ta nên có hội nghị để đem ra những mô hình có thể làm giàu cho vùng ven biển vùng mặn, trên cơ sở đó Chính phủ có chính sách rõ ràng để ngành thủy lợi tham gia. Nuôi tôm muốn có hiệu quả tốt phải có thủy lợi đi theo.

Chúng ta đã xác định ở vùng mặn trong mùa mưa mình lấy nước ngọt trồng lúa. Vụ lúa này cũng không dưới 5 tấn/ha. Thu hoạch lúa xong ruộng còn ướt thì cho mặn vô nuôi tôm. Ở huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre có 7.000 ha lúa tôm, nông dân dưới đó đâu có than gì ngập mặn. Còn dưới Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có 11.000 ha. Tuy nhiên hiện vẫn đang là tự phát, không có hệ thống tiêu thoát, kiểm soát phù hợp nên có nhiều rủi ro cho nông dân. 

(Còn nữa)

VietnamNet