- Lỗ hổng ở phía con người vẫn là mối lo nhất, nhưng nếu áp dụng công nghệ blockchain, tổ chức kỳ thi không giấy... thì những tiêu cực từ phía con người cũng sẽ được hạn chế, các chuyên gia phân tích tiếp về phòng ngừa gian lân thi cử.

LTS: Chương trình Bàn tròn trực tuyến kỳ này của VietNamNet đã có buổi thảo luận với các khách mời về chủ đề trên.

Ba khách mời gồm:

- TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

- PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- TS Văn Đình Ưng - Ủy viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT.

Chương trình được đăng tải theo 2 phần. Phần I đã đăng hôm qua, các diễn giả thảo luận về mô hình kỳ thi.

XEM LẠI PHẦN I: 

Tốn kém, ầm ĩ và tắc đường... nếu quay về kỳ thi kiểu cũ

Tốn kém, ầm ĩ và tắc đường... nếu quay về kỳ thi kiểu cũ

Nếu bỏ kỳ thi, chỉ xét học bạ thì vô vàn người có thể làm đẹp, làm mới học bạ. Còn quay trở về mô hình kỳ thi trước đây, sẽ chỉ thấy tốn kém, ầm ĩ, tắc đường.

Nhiều trường lớn sợ tự chủ về thi

Nhiều trường lớn sợ tự chủ về thi

Nếu giao quyền tự chủ về thi cho các trường, chưa chắc đã làm được và lại rất rối ren. Xung quanh trường lại lập bao nhiêu ki ốt luyện thi, các học sinh cơm nắm, cơm đùm luyện thi trường này trường khác.

XEM VIDEO TALKS PHẦN II:

Thiếu lương tâm nhà giáo, giải pháp kỹ thuật nào cũng sẽ bị bẻ khóa

Thiếu lương tâm nhà giáo, giải pháp kỹ thuật nào cũng sẽ bị bẻ khóa

Những giải pháp thời 4.0 ngăn ngừa gian lận thi cử như công nghệ Blockchain, kỳ thi không giấy, dọc phách điện tử hay “cơ học” như chấm tập trung, có hiện diện của các trường Đại học... đã cùng được các chuyên gia giáo dục mổ xẻ.

 

THIẾU LƯƠNG TÂM, TRÁCH NHIỆM NHÀ GIÁO THÌ YẾU TỐ KỸ THUẬT CŨNG BỊ BẺ KHÓA

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Thắng, Bộ GD-ĐT đã thông báo sẽ có những thay đổi trong kỳ tuyển sinh năm tới như nâng cao nghiệp vụ thi, chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Đây đã phải là giải pháp xử lý căn bản hạn chế tiêu cực trong thi cử?

{keywords}
TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. ảnh Lê Anh Dũng

TS. Phạm Tất Thắng: Rõ ràng qua kỳ thi năm 2018 này, chúng ta đã thấy những lỗ hổng của tổ chức thi. Nguyên lý cũng đơn giản thôi,hổng ở đâu, chúng ta bịt ở đó. Quy trình chưa thật hoàn chỉnh, còn khiếm khuyết thì chúng ta sẽ làm cho nó hoàn chỉnh hơn, sẽ sửa chữa những khiếm khuyết đó.

Ở đây, tôi cho rằng, có những yếu tố mà khi tiếp tục áp dụng phương thức thi này ở những năm sau cần quan tâm.

Thứ nhất, rõ ràng có yếu tố về mặt kỹ thuật. Ở đây là khâu ra đề dễ - khó, 2 năm khác nhau. Phần mềm chấm còn có những lỗ hổng kỹ thuật chưa bảo mật, bản thân quy trình cũng có vấn đề. Rõ ràng nếu có quy chế thi thực sự chặt chẽ thì sẽ hạn chế tối đa hoặc bịt các yếu tố tiêu cực.

Ví dụ, nếu có quy chế chặt chẽ, sẽ không có chuyện một cán bộ quản lý Sở giáo dục có thể can thiệp vào nhiều khâu của một quá trình tổ chức và chấm thi, từ việc lấy bài ra, sửa điểm, quét lại trên máy rồi nhập vào dữ liệu chung.

Một người có thể đảm nhiệm nhiều khâu như vậy thì rõ ràng yêu cầu kỹ thuật của bảo mật trong quy chế thi chưa thực sự yên tâm. Mỗi khâu do một bộ phận hoặc một số cá nhân đảm nhận thì một cá nhân không thể tác động vào nhiều khâu như vậy.

Thứ hai, rõ ràng có yếu tố về mặt quản lý.

Đó là khi Bộ GD-ĐT ủy quyền cho các Sở, địa phương thi, yếu tố tăng cường về mặt kiểm tra, giám sát phải chú trọng.

Ở đây, đã ủy quyền thì hậu kiểm phải được nâng lên, công tác kiểm tra giám sát phải được nâng lên và kể cả kiểm tra giám sát của Bộ cũng như kiểm tra giám sát của các địa phương phải được tăng cường. Nếu công tác kiểm tra giám sát, chúng ta thực hiện đầy đủ, tích cực sẽ hạn chế sai sót xảy ra trong quá trình thi.

Thứ 3 là sự phối kết hợp giữa trung ương và địa phương, giữa Bộ với lãnh đạo địa phương.  Làm sao quy trách nhiệm của Bộ, lãnh đạo các địa phương đến đâu để có sự phối hợp trong quá trình chỉ đạo.

Nếu sự phối hợp này thực sự chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả sẽ bịt được nhiều khe hở, khiếm khuyết có thể nảy sinh.

Tuy nhiên, dù quy trình, kỹ thuật được chú ý, nhấn mạnh đến đâu thì đến cùng vẫn là yếu tố con người. Bởi kỹ thuật cũng do con người đặt ra, nếu những con người thực hiện quy trình này cụ thể, không ý thức được về trách nhiệm, yêu cầu nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, lương tâm trách nhiệm nhà giáo thì tất cả yếu tố về mặt kỹ thuật cũng sẽ bị bẻ khóa.

Cho nên những yếu tố về mặt con người phải quan tâm.

Qua việc xử lý những sai phạm của kỳ thi năm nay thì sai phạm đến đâu, chúng ta sẽ phải xử lý đến đó. Phải nghiêm minh, theo đúng quy định để có tính chất răn đe, tính chất giáo dục, để nếu cá nhân nếu có ý định vi phạm kỷ luật kỳ thi phải lưu tâm.

Tôi cho rằng việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là việc đương nhiên chúng ta phải làm.

Để chuẩn bị cho một kỳ thi thì chúng ta chỉ có thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhưng để có đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, có lương tâm nghề nghiệp thì liên quan đến việc đào tạo đội ngũ. Yếu tố đó sẽ liên quan đến việc tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

CHẤM TẬP TRUNG SẼ KHẮC PHỤC LỖ HỔNG CON NGƯỜI

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, cám ơn ông. Thưa PGS.TS Trần Văn Tớp, yếu tố con người rất quan trọng. Bộ GD-ĐT cũng đưa ra một giải pháp là chấm thi theo cụm, tỉnh này sẽ giám sát, chấm bài của thí sinh tỉnh khác. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

{keywords}
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh Lê Anh Dũng.

 PGS.TS Trần Văn Tớp: Tôi cho rằng, nếu tất cả mọi người tham gia vào quá trình thi và tuyển sinh năm nay làm đúng những gì đã ghi trong 2 quy chế thì việc gian lận sẽ khó.

Nếu cán bộ chỉ đạo, cán bộ thi của cấp tỉnh thành, lãnh đạo các hội đồng thi, các hội đồng chấm thi tuân thủ chặt chẽ với một trách nhiệm cao nhất, một tâm thế để hoàn thành nhiệm vụ thì những gian lận của năm 2018 khó xảy ra.

Nhưng thực tế là nó xảy ra và do yếu tố con người. Anh Thắng nói làm thế nào để một Phó phòng khảo thí có thể can thiệp vào rất nhiều khâu, trong khi anh chỉ giao một khâu thôi, mà khâu đó thì thực chất nếu làm tốt thì không thể gian lận được.

Như vậy, có thể thấy, để hạn chế những yếu tố con người chủ ý gian lận, tham lam, lợi dụng... để làm sai thì các giải pháp kỹ thuật đề ra chính là để hạn chế việc lợi dụng đó.

Về những giải pháp kỹ thuật chúng ta phải nghĩ đến trong thời gian tới không chỉ là việc tập trung chấm thi ở một điểm. Hiện nay, tôi cũng thấy trên các diễn đàn khác nhau, nhiều người, kể cả những người nguyên là cán bộ lãnh đạo của ngành giáo dục cũng đưa ra khá nhiều giải pháp đáng chú ý để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.

Ví dụ, người ta đã đưa ra giải pháp là kỳ thi không giấy, tức là đã thi trắc nghiệm thì thi không giấy. Tuy nhiên, tôi đánh giá kỳ thi này vào thời điểm này chưa khả thi, vì muốn làm như thế, cần phải có một cơ sở dữ liệu ngân hàng đề rất kinh khủng và hơn nữa là hệ thống phần mềm tổ chức thi cho hàng triệu con người đó phải vận hành như thế nào. Do vậy, nó chưa khả thi.

Có người đề xuất là khi thi xong thì lập tức quét ngay, quét bài làm trắc nghiệm của các em gửi về Bộ và một phần thì để lại địa bàn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc bây giờ là phải rà soát tất cả các khâu đã rồi tính giải pháp. Nếu chỉ ngay lập tức, đưa một giải pháp mang tính manh mún thì không được.

Cụ thể hơn, rà soát ở tất cả các khâu xem những khâu nào có hổng, như  khâu ra đề, hiện nay ra đề, in sao đề, bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi...và cả coi thi.

Ngoài ra là những khâu khác như khâu bảo quản bài làm, khâu dọc phách, khâu giao nhận bài, khâu chấm bài. Giờ, đến chấm bằng máy tính nhưng sự việc vừa rồi cũng cho thấy, có khe hở.

Tôi cho rằng giải pháp có thể xem xét hiện nay là chấm tập trung.

Ví dụ, Hà Nội năm vừa rồi có hơn 80.000 thí sinh tham gia dự thi. Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức khoảng 12 điểm như vậy với sự tham gia của các trường đại học thì tôi nghĩ thời gian như vừa rồi vẫn chấm kịp, không có vấn đề gì.

Nhưng tôi vẫn nói lại, yếu tố con người là quan trọng. Vì vậy phải có những yếu tố kỹ thuật khác, những giải pháp khác để hạn chế sự tiêu cực của con người trong này.

Từ phía trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp. Ví dụ, đề trắc nghiệm cũng nên dọc phách. Còn về cách thức thực hiện, có thể là áp dụng kỹ thuật rọc phách điện tử hay dọc phách vật lý thì cần xem xét. Tức là đề này, vẫn có phách ta rọc ra, lưu phách ở đâu đó rồi ghép phách thì rất mất thời gian cho nên cần  phải nghiên cứu thêm.

Hoặc một giải pháp kỹ thuật khác là yêu cầu trong phiếu làm bài của các em, có thêm phần tô bút mực. Hiện, các em khoanh câu trả lời bằng bút chì, dùng bút chì để có thể chỉnh sửa đáp án nếu sai trong quá trình làm bài, nhưng sau khi hoàn thành, các em cần một khoảng thời gian nhất định để tô bằng bút mực. Như vậy, không ai có thể sửa được nữa, gian lận đến mấy cũng không sửa được.

Thứ hai, sau mỗi câu, yêu cầu thí sinh phải thống kê lại có bao nhiêu đáp án và phải viết bằng bút mực. Nếu can thiệp, sửa các thống kê đó là vi phạm và việc đó phải viết bằng bút mực. Sau này nếu đưa kỹ thuật này vào thì rõ ràng quy chế thi phải khác.

Tôi chắc rằng, với nhiều giải pháp như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe để chọn lọc các giải pháp tốt nhất. Nhưng quan điểm của tôi là ủng hộ việc chấm tập trung có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý theo quy chế thi.

Thứ hai, trong kỹ thuật, chúng ta có thể xem xét một số bước như năm vừa rồi người ta rút đề ra, scan lại, người ta thay vào, rất không được.

Tôi vẫn xin nhắc lại, bịt lỗ hổng bằng kỹ thuật, đôi khi chúng ta chỉ tránh người nghiêm chỉnh thôi, người thật thà, tinh thần trách nhiệm, nhưng còn với những người có chủ ý khác thì công tác kiểm tra giám sát phải tăng cường mạnh.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN TRONG KỲ THI?

Nhà báo Phạm Huyền: Như hai vị khách mời vừa chia sẻ, dù là giải pháp về mặt kỹ thuật hay giải pháp về mặt quản lý thì quan trong nhất là yêu tố con người. Thưa TS Văn Đình Ưng, liệu chúng ta có yên tâm khi trong hai kỳ thi gần đây, các trường đại học, cao đẳng chỉ tham gia vào công tác coi thi mà không tham gia chấm thi?

TS.Văn Đình Ưng: Trong thực tế tổ chức các kỳ thi, mỗi lần tổ chức xong thì sẽ có cuộc họp. Có câu chuyện vui về vấn đề này, các Sở Giáo dục đào tạo đấu tranh với Bộ, bảo rằng, chúng tôi là người dạy các em từ bé đến lớn mà Bộ không tin chúng tôi, lại giao các trưòng đại học đến để trông thi, thế chúng tôi trả nghề nhà giáo cho Bộ đấy? Đôi khi có lúc căng thẳng như thế!

Về điều này, cũng có phần đúng, phải suy nghĩ bởi vì các thầy dạy các em, hiểu các em từ bé đến lớn mà bây giờ quyền đánh giá các em lại không giao cho các thầy. Tôi thấy, Bộ đã rất trăn trở về điều này.

Theo Nghị quyết 29 của Đảng, phải giao dần quyền tự chủ cho các trường, các Sở, các cơ sở làm. Bộ phải làm những việc lớn, vạch những hành lang, chủ trương, chiến lược, sách lược to lớn chứ không phải lao vào, ôm việc của địa phương.

Thực tế thì các sở ở địa phương đấu tranh ghê lắm, họ bảo việc này là việc của chúng tôi, Bộ cứ ôm rồi cuối cùng việc lớn Bộ không làm được. Trong khi đó, Nghị quyết 29 đã nói là anh phải phân quyền đi, anh phải giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục phổ thông đi là điều tất yếu rồi.

Cuối cùng thì tổ chức kỳ thi như năm 2017 thì tốt rồi. Nhưng bây giờ, phát sinh thêm lỗ hổng này thì tôi thấy rằng, Bộ đã nhận trách nhiệm với xã hội, với Đảng, với Nhà nước rồi thì phải chờ thời gian, tổ chức một hội nghị hay hội thảo khoa học bàn về vấn đề khắc phục những lỗ hổng tiếp theo đã có và có thể có của kỳ thi này để có thể làm năm sau sẽ tốt hơn. Vì rất nhiều nhà khoa học, những người thực tiễn sẽ tìm ra giải pháp được giúp Bộ vấn đề này.

Ví dụ, tôi rất tâm đắc với ý kiến của một nhà khoa học hiến kế việc khắc phục việc đổi dữ liệu như là của các tỉnh. Bây giờ áp dụng 4.0, nếu sử dụng công nghệ blockchain thì không thể nào thay đổi được dữ liệu, nếu anh thay đổi thì hệ thống trên Bộ đã “rung rinh” rồi,  đã biết rồi, rồi Sở nọ cũng “rung rinh”, cũng biết rồi.

Ví dụ với công nghệ blockchain thì chắc trường Bách Khoa giúp Bộ thiết kế phần mềm ấy, có lẽ không có gì là tốn tiền cả. Đấy là một kế mà tôi thấy tâm đắc. Ông định sửa một cái này thì mấy ông khác cũng biết rồi, thế là không sửa được và không thể nào sửa được.

Nhưng về phương pháp thì tôi nghĩ rằng Bộ vẫn phải họp để huy động được sức mạnh trí tuệ của tập thể, của toàn ngành. Còn xu thế giao quyền tự chủ, đấy là xu thế của Nghị quyết 29, chúng ta không cãi lộn lên được.

Nhà báo Phạm Huyền: Đôi khi sai phạm xảy ra ngay trong quá trình làm bài, chẳng hạn như nhắc bài, thậm chí là có người làm thay làm hộ cho thí sinh cũng có thể xảy ra. Theo ông, chúng ta phải có những giải pháp nào có thể ngăn ngừa được triệt để những việc gian lận như vậy?

{keywords}
TS Văn Đình Ưng - Ủy viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT.

TS.Văn Đình Ưng: Tôi vừa nghe thầy Tớp nói là rất khó nhắc bài. Trong phòng 24 người thì mỗi người 1 đề,  làm sao nhắc được cho một em này thôi, không nhắc được.

Tôi thấy ta cũng phải xem là gian lận đấy có phổ biến không. Trước đây từ những năm thi đề 3 chung ra khỏi trường thi thì phao thi là loạn, nhưng vài năm nay không có phao thi gì cả.

Việc chấm thi cũng rất khách quan bởi đã làm bài tự luận thì vào đội ngũ chấm, chất lượng thầy cũng rất khác nhau. Câu này em viết thế này thì thầy này có thể cho 2 điểm, nhưng thầy khác có thể cho 3 điểm, thế là khác nhau. Nhưng trắc nghiệm thì tính khách quan cao, kết quả rất chính xác. Cách thức đó đã vô hiệu hóa được việc nâng điểm, sửa điểm.

Bây giờ chúng ta chỉ còn mỗi môn văn là thi tự luận thôi. Tôi nghĩ rằng tới đây, có thể một nửa môn văn thi trắc nghiệm, một nửa môn văn để kiểm tra cách viết của các em thôi.

Tôi thấy về mặt quy trình, tất cả các tính toán cho kỳ thi hiện nay khá toàn diện, chỉ có mấy khâu đó thôi.

Còn thêm một vấn đề nữa, nếu Bộ làm việc với Chính phủ, có thể giao quyền cho Chủ tịch tỉnh, nếu Chủ tịch tỉnh không huy động được đủ lực lượng để giám sát,làm cho kỳ thi bị sai lệch thì phải bị cách chức hay phải chịu trách nhiệm ở mức nào đó.

Làm mạnh mẽ lên thì tôi dám chắc là không có chuyện 2 ông giám sát lại đi ra khỏi giờ để trưởng, phó phòng làm như thế. Vị Chủ tịch tỉnh này sẽ biết cách làm thế nào để giám sát chặt chẽ, không có thì mình mất chức.

XỬ LÝ NGHIÊM MINH, TĂNG TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng trong một tương lai gần, tức là trong kỳ thi tới đây, theo TS Phạm Tất Thắng, ông nghĩ những động thái giải pháp cụ thể nào có thể triển khai được, ứng dụng ngay được?

TS. Phạm Đức Thắng: Ở đây có 2 yếu tố, một là yếu tố về mặt quản lý, hai là yếu tố về mặt kỹ thuật. Tôi cho rằng đây là hai yếu tố và vừa nãy chúng ta cũng đã có trao đổi.

Cuối cùng vẫn là yếu tố con người, chúng ta nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cũng như giáo viên tham gia vào quá trình tổ chức thi cũng như chấm thi.

Ngay năm nay, khi chúng ta xem xét và quy trách nhiệm thì đã có những xử lý một cách nghiêm minh với những cá nhân có những sai phạm. Đó là một bài học cho cả hệ thống giáo dục cần phải rút kinh nghiệm.

Với yếu tố con người, khi bắt đầu kỳ thi mới thì việc chúng ta tập huấn, tuyên truyền, yêu cầu về mặt trách nhiệm, những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ trong quá trình tham gia tổ chức thi như thế nào. Đó cũng là những việc chúng ta có thể làm ngay được.

CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC THAM GIA CHẤM THI SẼ GIẢM ĐƯỢC TIÊU CỰC

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, câu hỏi cuối cùng tôi muốn được lắng nghe ý kiến chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Tớp ạ. Ông nghĩ thế nào về giải pháp khả thi nhất để áp dụng trong kỳ thi năm tới?

Với  tình trạng gian lận đã diễn ra và những hoài nghi vẫn còn thì các trường có nên tổ chức thi lại để rà soát xét lại đầu vào của các thí sinh năm nay không?

{keywords}
Các khách mời trao đổi ý kiến trong chương trình. Ảnh Lê Anh Dũng

 PGS.TS Trần Văn Tớp: Các trường đại học từ năm 2017 chỉ tham gia vào khâu coi thi, còn toàn bộ khâu in sao đề, khâu vận chuyển đề, khâu bảo quản bài làm, bảo quản đề thi đến khâu chấm thi hiện nay chúng ta vẫn giao cho Sở. 

Cũng có ý kiến cho rằng đối với các trường đại học, đặc biệt các trường đại học địa phương cũng nên có đảo chéo. Dẫu sao thì nó cũng là quan hệ ràng buộc, một số địa phương được giao đại học của địa phương đi tham gia coi thi.

Tôi cho rằng, với trách nhiệm của các trường thì hiện tại việc tham gia coi thi đã làm rất tốt.

Còn các khâu tiếp theo thì nhà trường cũng sẵn sàng. Tôi cho rằng, các trường đại học sẽ tiếp tục tham gia để giảm thiểu được tiêu cực giống như năm 2016, các trường đã chủ trì các cụm thi do đại học tổ chức, lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét thi đại học, lúc đấy hoàn toàn do các trường đại học chủ trì. Đấy là cái thứ nhất.

Cái thứ hai, cũng nhiều ý kiến cho rằng hiện tại có một số tỉnh thành có nghi vấn và thậm chí thực sự đã có khởi tố các vụ án, tức là có gian lận thực sự. Vậy các trường đại học sẽ yên tâm như thế nào với kết quả như vậy? Tôi cho rằng không nên đưa ra nhận định một cách không đầy đủ cơ sở.

Quả thực trong đợt vừa rồi, tôi cho rằng phát hiện tiêu cực chủ yếu do phản ánh, đề thi mới chỉ là một phần và những vụ việc  tiêu cực ở đâu đó đã râm ran, đã xuất hiện.

Thực sự người ta đã đưa ra những thống kê để nói rằng ở những tỉnh không thực sự có điều kiện học tập tốt, không có truyền thống học tập tốt mà lại có kết quả vượt trội so với trường khác. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta lại nghi ngờ cả một cuộc thi, cả một kỳ thi.

Hơn nữa, bây giờ việc các em ấy có gian lận phải do một cơ quan kết luận thì chúng tôi mới buộc thôi học được các em ấy, còn tự nhiên chúng ta lại nghi ngờ những em trung thực ở những địa bàn đang vào diện nghi vấn hoặc đã bị phát giác thì cá nhân chúng tôi, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chúng tôi sẽ không tổ chức một kỳ thi nữa với hai lý do.

Một là việc ở đâu kết luận gian lận, trường hợp nào có gian lận, hủy kết quả thi và đương nhiên các em phải chịu bị thôi học theo quy chế thi.

Thứ hai, tôi cho rằng tổ chức lại kỳ thi như vậy sẽ rất bất công với những em đã trải qua một kỳ thi hết sức nghiêm túc, có một kết quả trung thực. Bây giờ chúng ta tổ chức một kỳ thi khác sẽ đánh một đòn tâm lý rất nặng và nó sẽ gây ra một sự hoang mang, một tâm lý không cần thiết. Vì vậy, quan điểm của trường Bách Khoa Hà Nội là sẽ không tổ chức một kỳ thi thêm để đánh giá lại các em.

Đặc biệt, không thể tự mình cho rằng những sinh viên Bách Khoa đã trúng tuyển vào từ những địa bàn đó và cô lập các em ra. Tôi cho rằng những giải pháp như vậy không đem lại hiệu quả. Còn nếu giả thiết có những em mà qua sự gian lận hoặc qua sự tiếp tay của những người gian lận thì tôi cũng đã từng nói rằng những người như vậy chắc chắn không thể tốt nghiệp Bách Khoa Hà Nội.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời và với các động thái xử lý quyết liệt của Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng ta cùng hi vọng tương lai tới, các kỳ thi dù theo mô hình hay với giải pháp nào cũng sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng, trung thực, khách quan.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền- Hạnh Thúy

Video: Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý

Ảnh: Lê Anh Dũng

email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn

Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Công an triệu tập thêm 5 cán bộ

Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Công an triệu tập thêm 5 cán bộ

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa triệu tập 5 cán bộ liên quan đến vụ gian lận điểm thi, trong đó có 4 cán bộ trong tổ chấm thi.    

Sau gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình...còn gì nữa?

Sau gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình...còn gì nữa?

Gian lận thi cử được phanh phui theo cấp độ ngày càng "tinh vi và xảo quyệt" hơn ở những địa phương đã bị phát giác cho thấy có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Triệt phá đường dây cho HS, SV thuê thiết bị để gian lận thi cử

Triệt phá đường dây cho HS, SV thuê thiết bị để gian lận thi cử

Chỉ với giá thuê từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày/thiết bị, hàng trăm lượt học sinh, sinh viên đã vượt qua kỳ thi bằng gian lận.

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.

Cứ 50 thí sinh thì 1 em được nâng điểm: Gian lận thi cử chưa từng có

Cứ 50 thí sinh thì 1 em được nâng điểm: Gian lận thi cử chưa từng có

Với gần 5.500 thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 và 114 em được nâng "khống" ít nhất là 1 điểm, gian lận thi cử ở Hà Giang có thể nói là chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục.