Không được phép xây dựng, cải tạo, không được cấp sổ đỏ cho thửa đất sinh sống lâu đời…, những hộ dân “vướng” vào dự án KĐT An Dương đang ở tình trạng “nhảy dù” trên chính đất của mình.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
TÌnh trạng xập xệ, xuống cấp của khu dân cư trong diện phải di dời để phục vụ dự án

“Xóm liều”

Chính bản thân ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty IDC cũng không né tránh khi nói về tình trạng này.

Dẫn PV VietNamNet thực địa khu đất triển khai dự án KĐT An Dương, trỏ tay vào một dãy khu nhà cấp bốn xập xệ thuộc ngõ 277 (An Dương, phường Yên Phụ), ông Khánh cho biết: đó là cuộc sống của 70 hộ dân thuộc diện di dời để lấy đất cho IDC thực hiện dự án theo QĐ của Thủ Tướng và UBND TP.Hà Nội.

“Không ai có thể nghĩ, giữa Hà Nội còn tồn tại những khu nhà tồi tàn, tạm bợ như những năm 90 của thế kỷ trước. Bản thân tôi cũng rất chua xót về việc này”.

Lý do của sự việc trên: đất vướng vào dự án treo, chính quyền sở tại không phê duyệt cho các hộ dân được cải tạo, xây dựng nhà ở, đó là chưa nói đến việc cấp sổ đỏ.

Rất nhiều người dân ở khu “xóm liều”, gặp ông Khánh, câu đầu tiên họ nói là: “Bao giờ thì ông giải quyết xong để tôi có chỗ ở?”. Và, ông Khánh chỉ biết… im lặng chịu trận.

Không được xây dựng, sửa sang, những khu nhà cấp bốn, nhà lá, mái pro-xi măng xuống cấp xập xệ trở thành những bãi tập kết phế liệu đồng nát. Một vài hộ dân “liều” xây dựng trái phép tạo thành những ngôi nhà thò thụt, lồi lõm; cùng với những căn nhà thấp lè tè…, tất cả tạo thành một bức tranh đô thị không thể đặt tên. Nó trái ngược hoàn toàn với khu nhà ở mà IDC đã thực hiện được một phần.

Ông Nguyễn Hải Đường (SN 1948, D1 - TT Du Lịch An Dương) là một trong những hộ dân nhiều năm nay kiến nghị lên chính quyền để được… cấp sổ đỏ. Gia đình ông cùng nhiều gia đình khác đều có giấy tờ, văn bản… thể hiện chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất không có tranh chấp. Nhưng, vì vướng vào dự án KĐT An Dương, tất cả những đòi hỏi của các hộ dân nói trên đều không được giải quyết.

{keywords}
Những ngôi nhà thò thụt, lồi lõm, thấp lè tè nhếch nhác gây mất mĩ quan

Trớ trêu hơn là hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Chinh (SN 1941, số nhà 8, ngõ 210 Nghi Tàm). Ngôi nhà cấp bốn mấy chục năm nay đã xuống cấp; ngày mưa bão, nước tràn lênh láng vào nhà. “Mỗi lần tự ý cải tạo, sửa chữa, gia đình bà lại bị đình chỉ vì… xây dựng không phép. Nhưng, xin ủy ban phường giấy phép xây dựng, phường cũng không dám cấp do trường hợp nằm trong đất dự án”.

Các con của bà Chinh đều đi ở nhờ hoặc thuê nhà để ở, vì không chịu được cảnh sống tù túng, xập xệ như trên.

Loay hoay!

Thời điểm hiện tại, để tháo gỡ cho sự dang dở của dự án này là một điều không dễ. Theo người dân, thời điểm thực hiện dự án, chính quyền sở tại đã không trung thực khi báo cáo nguồn gốc sở hữu đất thực hiện dự án.

Trong số hơn 13.970m2 đất giao cho IDC, ngoài mặt bằng sạch 8.400m2 đất có được do san lấp hồ An Dương, một phần không nhỏ là diện tích đất ở của các hộ dân như gia đình ông Đường, bà Chinh.

“Thời điểm đó, chúng tôi là các hộ dân sống ven hồ, không phải trong lòng hồ” – ông Đường, bà Chinh khẳng định.

Thực tế này cũng dẫn đến khó khăn phát sinh trong quá trình IDC thực hiện dự án.

Ngày 14/4/2015, Báo VietNamNet có CV số 112/CV-VNN gửi Sở Tài chính Hà Nội (đồng kính gửi UBND TP.HN; UBND quận Tây Hồ; Sở Quy hoạch Kiến trúc) về việc xem xét đơn kêu cứu của ông Lê Quốc Khánh.

Ngày 11/5/2015, Sở Tài chính HN có văn bản số 2072/STC-BG phúc đáp CV 112 của Báo VietNamNet. Tại văn bản trả lời, Sở Tài chính cho biết: Đơn kêu cứu của ông Khánh không nêu rõ tên cơ quan có thẩm quyền nào của TP.Hà Nội không hồi âm nghiêm túc kiến nghị của Công ty IDC, giải pháp khả thi do công ty đề xuất như thế nào…

Do vậy, Sở Tài chính đề nghị Báo VietNamNet liên hệ với Sở Kế hoạch – Đầu tư để được giải đáp nguyên nhân chậm hoàn thành dự án.

Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, ngày 15/5/2015, Báo VietNamNet đã có công văn gửi Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Hà Nội về việc xem xét đơn kêu cứu của ông Lê Quốc Khánh. Ngày 19/5, Sở KHĐT đã có CV số 1872 trả lời Báo VietNamNet.

“Dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác GPMB. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 5473 ngày 25/7/2014 chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở TNMT; UBND quận Tây Hồ; Ban chỉ đạo GPMB để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và hướng dẫn công ty IDC triển khai thực hiện” – nội dung CV 1872 viết.

“Một cơ quan báo chí Trung ương còn bị “đá bóng” như thế, huống chi một Doanh nghiệp tư nhân như IDC” – ông Khánh bức xúc.

Theo ông Khánh, mấy chục năm qua, hàng trăm văn bản, kiến nghị, đề xuất… của IDC đã được gửi đến các cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền, nhưng nhận lại cũng là hàng trăm văn bản có nội dung chung chung như vậy.

“Chúng tôi đã bị “đá bóng” suốt gần 30 năm qua” – ông Khánh mệt mỏi.

Thái Bình

Phương án đề xuất của IDC

Theo ông Lê Quốc Khánh, GĐ Công ty xây dựng IDC, để giải quyết dứt điểm những hệ lụy không đáng có do dự án chậm triển khai, cần xác định rõ nguồn gốc sở hữu về đất. Cụ thể, tại dự án này, sở hữu Nhà nước còn 2.500m2 đất đang sử dụng. Nếu Nhà nước thu tiền sử dụng đất trên để làm sổ đỏ sẽ thu về ngân sách 30 – 37 tỷ đồng; Sở hữu thuộc Công ty IDC là 3.580m2 tương ứng 52 tỷ đồng; sở hữu của người dân có giấy tờ chuyển nhượng, giấy tờ tái định cư là 2.480m2 đất. Việc xác định rõ nguồn gốc đất là cơ sở để thực hiện bồi thường và tái định cư, giải quyết dứt điểm khiếu kiện kéo dài.

Thứ hai, đưa ra những biện pháp đồng bộ về hành chính, tài chính đầy đủ phù hợp với tình hình thực tế dự án; thành lập hợp đồng giải phóng mặt bằng. Công ty IDC đề nghị UBND TP.Hà Nội và quận Tây Hồ bố trí quỹ đất tái định cư cho dự án, nếu không, sẽ thực hiện tái định cư tại chỗ với diện tích từ 35 – 40m2; thay đổi chức năng sử dụng đất khu B và khu E để IDC và các hộ dân thực hiện theo phương án này.

Theo ông Khánh: IDC đã nộp tiền sử dụng đất và thuê đất đầy đủ từ khi thực hiện dự án đến nay. Nếu nhà nước thu hồi lại dự án thì phải trả cho IDC số tiền 55 tỷ đồng tương ứng (theo giá hiện hành của TP).