Vợ chồng tôi đã ly hôn năm 2012. Sau khi ly hôn vợ tôi phát hiện đã mang bầu và đến năm 2013 thì sinh. Cho đến khi làm giấy khai sinh cho con, chúng tôi thống nhất đăng ký kết hôn lại để con được khai sinh đầy đủ. Sau đó, tôi bận đi công tác nên để vợ làm, hộ khẩu của con cũng được vợ tôi nhập về nhà ngoại. Tôi không để ý đến khi đi công tác về thì phát hiện ra con tôi vẫn mang họ của tôi nhưng trên giấy khai sinh lại không điền phần tên bố, mặc dù chúng tôi đã đăng kí lại trước đó

TIN BÀI KHÁC

Vậy luật sư cho tôi hỏi 1 số vấn đề sau:

1. Việc vợ tôi làm khai sinh như thế có vi phạm điều gì về pháp luật không?

2. Cán bộ tư pháp hộ tịch cấp giấy khai sinh như thế có đúng không?

3. Trong giấy khai sinh không có tên tôi là bố vậy trên danh nghĩa pháp lý tôi có là bố không?

4. Nếu xảy ra ly hôn thì trách nhiệm của tôi đối với con tôi như thế nào?


{keywords}
Tại sao dù đã đăng kí kết hôn, vợ tôi lại không cho tôi quyền làm bố? (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc Phuc Phan Dinh <phucthien00306@gmail.com> hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Thứ nhất: Con chung của vợ chồng

Thông tin bạn cung cấp không rõ là khi con sinh ra hai bạn đã đăng kí kết hôn lại và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hay chưa. Thời điểm năm 2013, áp dụng Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, Nghị Định 70/2001/NĐ-CP, “Điều 21. Xác định con chung của vợ chồng.2. Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người.”

Như vậy, theo quy định nêu trên, đứa trẻ sinh ra sau khi ly hôn đối với trường hợp của bạn được xác định là con chung của vợ chồng. Việc bạn đứng tên khai sinh là cha của đứa trẻ là đúng quy định của pháp luật.  Nếu hai bạn đã đăng ký kết hôn lại và được cấp Giấy đăng ký kết hôn trước khi đăng ký khai sinh thì trên giấy khai sinh sẽ có tên đầy đủ bố mẹ.

Nếu vợ bạn đăng ký khai sinh cho con khi hai bạn đã đăng ký kết hôn trở lại thì việc thiếu tên bố là không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai: Trách nhiệm cán bộ tư pháp

Nghị định 158/2005/NĐ –CP, nghị định 06/2012/NĐ –CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, Điều 15. Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

Theo quy định tại khoản 1 điều 82 Nghị định 158/2005/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2012/NĐ –CP về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực thì cán bộ tư pháp có trách nhiệm phải kiểm tra xác minh hồ sơ khi đăng kí hộ tịch. Điều 82. Nhiệm vụ của cán bộ Tư pháp hộ tịch trong đăng ký và quản lý hộ tịch “Trong đăng ký và quản lý hộ tịch, cán bộ Tư pháp hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Thụ lý hồ sơ, kiểm tra, xác minh và đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định này;”

Thứ ba: Để bổ sung tên bố vào giấy khai sinh:

Bạn làm thủ tục bổ sung sổ đăng kí khai sinh và giấy khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ –CP, nghị định 06/2012/NĐ –CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực.

Điều 35. Bổ sung, cải chính Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con

“1. Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.

Trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 1 quyển tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), thì Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để ghi tiếp việc bổ sung.”

Thứ tư: Nếu ly hôn thì trách nhiệm của bạn thế nào? 

Trong trường hợp hai bạn ly hôn, căn cứ thỏa thuận ai là người trực tiếp nuôi con để quyết định nghĩa vụ sau ly hôn, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định người nuôi con. Nếu vợ bạn là người trực tiếp nuôi con, thì bạn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014. Nếu trường hợp bạn là người trực tiếp nuôi con thì bạn có nghĩa vụ chăm sóc giáo dục con cái, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ) 

Ban Bạn đọc