- Tôi có đặt mua trên mạng một hộp kem dưỡng da với giá 2 triệu đồng, có hóa đơn đàng hoàng. Người bán cam kết kem không có tác dụng phụ, yên tâm sử dụng. Dùng được 2 tuần da tôi rất đẹp, nhưng sau 2 tháng thì mặt tôi bị nổi mụn sưng tấy nặng, đi khám bác sĩ nói do tôi bị viêm da do bôi loại kem trộn có chứa corticod, một chất rất độc.

TIN BÀI KHÁC

Tôi yêu cầu người bán phải bồi thường, nhưng họ chặn số điện thoại và không liên lạc với tôi nữa, trong khi vẫn bán hàng trên mạng bình thường. Tôi thấy đây có dấu hiệu lừa đảo và muốn khởi kiện, nếu cần thiết sẽ đi giám định chất độc trong lọ kem đó. Mọi liên lạc và cam kết của họ tôi đều lưu giữ phần tin nhắn. Xin hỏi luật sư trường hợp này tôi có kiện được không? Người bán sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

{keywords}
Họ bán cho tôi kem trộn có chứa chất độc làm hỏng da (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, Giao dịch mua bán hàng trên mạng.

Khoản 2 Điều 41 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định đối với giải quyết tranh chấp tại tòa án như sau: 

“Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;

b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.”

Như vậy, nếu bạn lựa chọn khởi kiện ra tòa án thì thủ tục tiến hành sẽ được quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự. Theo quy định, nếu được xác định là lỗi người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa thì người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường; nếu thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa thì người bán hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp này, nếu bạn chứng minh được chất lượng sản phẩm có vấn đề thì có quyền khởi kiện người bán để được bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người bán hàng :

Điều 61 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 

“2. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 62 của luật này. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài.”

Khoản 2 Điều 62 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định:

“Người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng trong các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó;

d) Hàng hóa có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.”

Như vậy, theo quy định trên nếu xác định là lỗi không đảm bảo chất lượng hàng hóa của người bán  mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 62 ở trên thì người bán hàng  phải bồi thường. 

Thời hiệu khởi kiện là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc