- Tôi mới quen anh B qua một người bạn. Dù mới quen nhưng anh này đã ngỏ ý vay tiền tôi. Để tôi tin tưởng, anh B đưa cho tôi chiếc xe ô tô, giấy đăng ký và viết giấy mượn tiền. Sau 1 tháng sẽ trả và lấy lại xe, tôi không lấy bất kì khoản lãi nào. Nhưng sau khi cho mượn tiền tôi mới phát hiện ra anh này không phải chính chủ đăng ký của chiếc xe ô tô đó. Sau 1 tháng, anh B không đến trả tiền cho tôi và nói cần xe để đi lại, tôi đã đưa xe cho anh B nhưng vẫn giữ lại đăng ký xe và giấy mượn tiền. Từ đó đến nay đã 1 năm nhưng anh B vẫn chưa trả tiền cho tôi thậm chí anh này còn tắt máy, cầm cố xe cho người khác lấy tiền trong khi giấy tờ xe tôi vẫn giữ. Xin hỏi trong trường này tôi có thể nộp đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nhờ cơ quan công an giải quyết không? Hay tôi phải làm sao? Rất mong luật sư giúp đỡ.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Anh ta đưa xe nên tôi tin tưởng cho vay tiền (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc 'Thanh Nguyễn' hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Theo quy định pháp luật Dân sự thì việc Cầm cố tài sản được quy định như sau: 

Điều 326 BLDS. Cầm cố tài sản 

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. 

Điều 327. Hình thức cầm cố tài sản 

Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.

Như vậy, trong trường hợp này, anh B không phải là chủ sở hữu của chiếc xe cũng không được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp, nên giao dịch cầm cố này là trái pháp luật và sẽ không có giá trị pháp lý và được xem vô hiệu. 

Điều 137 Bộ luật Dân sự quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Theo đó, anh B phải trả lại tiền cho bạn. Bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. Bạn chỉ có thể nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an khi chứng minh được anh B có mục đích lừa đảo tài sản để chiếm đoạt tài sản. Bộ luật hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:"Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt; nếu bỏ trốn thì mới coi là chiếm đoạt.Trường hợp của anh  B chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ là quan hệ cho vay dân sự.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ) 

Ban Bạn đọc