Tôi nghĩ người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng và cũng sẽ rất ủng hộ việc bán túi rác tiêu chuẩn để thu trước (nó lợi cho địa phương chủ động ngân sách xử lý môi trường, thì cũng tốt, không sao cả).

Tôi đọc báo điện tử cũng thấy rất nhiều dẫn chứng thực tế hay, đáng phải suy nghĩ, học hỏi mà các nhà quản lý, các nhà khoa học và cán bộ nhà trường đã dầy công tham quan, khảo sát ở các nước tiên tiến mang về để nâng cao nhận thức cho người dân.

Tuy vậy, tôi vẫn còn băn khoăn mấy điều sau:

1) Phân loại rác từ nguồn không đồng nghĩa với giảm thiểu.

Mục tiêu đầu tiên của 3R trong chính sách quản lý môi trường của Nhà nước là giảm thiểu, chẳng hiểu từ lúc nào giảm thiểu khó hiểu, khó làm quá hay sao đã biến thành phân loại rác từ nguồn cho dễ hiểu, dễ thực hiện.

Rồi quen mồm, từ cao đến thấp đều quên mất phải suy nghĩ, chăm lo cho giảm thiểu, chỉ còn nhăm nhăm vào phân loại rác từ nguồn, để rồi hết thí điểm này đến thí điểm khác đều thất bại, mà chẳng rút ra được bài học gì, ngoài vẫn tiếp tục “bài ca” đó.

Vậy phân loại rác từ nguồn có giảm thiểu được rác thải không ? Chắc chắn là không. Vì thấy ngay trước đấy nó chỉ là 1 túi bây giờ thành nhiều túi, mà tổng trọng lượng của nó còn bị tăng thêm trọng lượng của túi.

Túi bây giờ chỉ là bọc màng mỏng nilon, trọng lượng không đáng kể. Nhưng túi tiêu chuẩn, rồi các bạn sẽ thấy, chắc chắn nó phải dầy, phải nặng hơn xưa và với cả triệu, chục triệu túi mỗi ngày, thì hóa ra là quá lớn! Thế là lại phải tăng chi phí vận chuyển.

Chí phí đó lại phải phân bổ vào giá thành túi và trút sang người dân chịu. Chắc chắn là thế, vì phải tính đúng tính đủ giá thành túi để bán cho người dân mà.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi 'chống ô nhiễm môi trường như chống giặc'

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi 'chống ô nhiễm môi trường như chống giặc'

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vấn đề môi trường hiện nay ô nhiễm là kẻ thù, phải có quan điểm đảm bảo môi trường và "chống ô nhiễm môi trường như chống giặc".

2) Kinh nghiệm các vị đã học hỏi thấy dẫn ra đều là của Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, v.v. toàn là những quốc gia đi đầu về bảo vệ môi trường, có thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhưng có thể áp dụng được ở Việt Nam không?

Tôi chắc là không. Vì sao? Vì tất cả các nhà quản lý môi trường và giảng dạy về môi trường đều xuất phát từ tiền đề “ở Việt Nam chưa có phân loại rác sinh hoạt từ nguồn”. Một cái tiền đề hết sức xa rời thực tiễn.

Trong thực tiễn, rác ở trong nhà hộ gia đình nông thôn, người dân để riêng, tích cóp lại những cáí có thể bán được cho đồng nát (ve chai) để kiếm thêm chút tiền; ở thành thị, thì để riêng và cho ô sin để khích lệ họ phục vụ tốt hơn.

Rác ra khỏi nhà thì đã được đội quân thu gom phế liệu tự do chăm sóc tận tình bất kể mưa nắng và cũng được những người làm công tác thu gom của hệ thống vệ sinh môi trường chính quy tách lọc những cái bán được và thu vào các bao, túi đeo cạnh xe đẩy thu gom rác.

Rác ra đến ô tô chở rác cũng lại được nhân viên vận chuyển chăm sóc tiếp, và không thua kém đồng nghiệp, cũng bao, cũng túi vật liệu tái chế được đeo bên cạnh xe chở rác.

Rác ra đến bãi đổ rác còn được chăm sóc tận tình hơn với những giá khác nhau theo ca, theo giờ để đoàn người được vào bãi bới rác mưu sinh.

Đấy chẳng phải là đã được phân loại từ nguồn hay sao?

Hành trình của Rác là như thế.

Bây giờ người dân phải phân loại rác từ nguồn, thì tiện quá, họ chẳng nhọc nhằn tìm, bới cái đống bẩn thỉu mất vệ sinh ấy – “có sẵn” “ăn ngay”. Mà vì thu gom theo giờ, vứt lung tung sẽ bị phạt, thì những người đồng nát (ve chai) đừng hòng xơ múi gì nhé, giải nghệ đi tìm việc khác mà làm, vì cái sự “ăn sẵn” chẳng đến lượt.

Thiết nghĩ, có quý vị nào đã từng nghiên cứu khảo sát về phân loại rác từ nguồn ở các nước có đội quân thu nhặt phế liệu không chính quy xem họ làm thế nào, hãy lên tiếng thì bổ ích biết mấy.

Tôi không được đi khảo sát nước ngoài nên không dám lên tiếng khen chê chuyện ở nước người ta, nhưng chẳng may bây giờ internet tốt quá, mà lại ham đọc thì thấy một số báo cáo nghiên cứu ở nước ngoài (như Political Economy of Municipal Solid Waste Management in Urban Areas of Developing Countries and Framework of Capacity Development Support - Proc. of The Fifth Intl. Conf. On Advances in Applied Science and Environmental Technology - ASET 2016; và nhiều tài liệu khác) khi nghiên cứu về kinh tế chính sách quản lý chất thải rắn đô thị ở các nước đang phát triển có đội quân thu nhặt phế liệu đã đưa ra khuyến nghị không thể và không nên làm điều đó chừng nào chưa “chính thức hóa” đội quân “phi chính thức - Informal Sector” này, vì đó là đội quân hưởng khống (Free rider) tất cả những nỗ lực, những hy sinh tiện nghi, bận vào mình của người dân cho phân loại từ nguồn và chi phí của nhà nước cho nâng cao nhận thức, mà chẳng mang lại lợi ích gì hồi đáp lại cho người dân/xã hội và nhà nước cả. Vì thế tâm tư lắm.

Mong sao các cơ quan quản lý có một nghiên cứu đầy đủ về vấn đề “người hưởng khống” trong thu nhặt, tái chế chất thải trước khi ban hành cơ chế chính sách về phân loại từ nguồn.

Hoặc giả vì lý do nào đó gấp quá cứ phải triển khai sớm cho kịp, thì trộm nghĩ, giá như cơ chế thu phí rác thải theo khối lượng thực hiện qua bán túi, có kèm theo thu mua lại vật liệu tái chế mà người dân đã phân loại cũng theo túi (bằng trực tiếp, đổi túi hay bù trừ) thì tốt biết bao, chẳng ai thiệt thòi cả.

Hay xây dựng cơ chế “mở rộng trách nhiệm của người dân” đối với rác sinh hoạt từa tựa như có chế “mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất” đối với “sản phẩm thải bỏ phải thu hồi” theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, thì cơ chế thu phí rác thải theo khối lượng sẽ thực tế hơn và hợp lòng dân hơn.

3) Xu hướng xử lý rác phát điện hiện đã rõ ở nước ta và cũng đã và đang có nhiều dự án điện rác được kỳ vọng thay thế chôn lấp và sử dụng rác như tài nguyên.

Ai cũng biết, rác thải sinh hoạt nước ta có nhiệt trị thấp hơn rất nhiều so với rác ở các nước phát triển, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

Hai thành phần ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ tiêu này là nhựa trong rác sinh hoạt và vô cơ silicat từ rác đường phố.

Nếu phân loại rác từ nguồn, tách lọc ra mất thành phần nhựa, nhưng thành phần vô cơ silicat vẫn còn, thì rác chuyển đến nhà máy điện rác sẽ có nhiệt trị tụt thê thảm. Vậy phân loại rác từ nguồn sẽ không có lợi cho phát triển điện rác.

Tôi đã từng thấy từ năm 2010 có đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài xin đầu tư nhà máy điện rác kèm theo đầu tư hệ thống thu gom vận chuyển của riêng mình bố trí tại khắp các điểm dân cư, chợ trong đô thị, với contenơ lưu động chỉ nhận rác vào, không lấy rác ra được, tự ép rác, tự chứa nước rác và tự động báo đầy về trạm vận chuyển mang contenơ rỗng đến đổi, để đảm bảo không bị suy giảm nhiệt trị của rác nguyên liệu cho nhà máy.

Thiển nghĩ, trong lúc chưa có cách giảm thiểu từ nguồn, thì cách này hay hơn cách bán túi để phân loại rác từ nguồn.

Độc giả Lê Trung Trực

Ý kiến của bạn đọc về các vấn đề mình quan tâm, xin trao đổi theo email: banbandoc@vietnamnet.vn

Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam, Nhật cũng làm sao ở ta lại phản đối?

Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam, Nhật cũng làm sao ở ta lại phản đối?

Việc tính phí có tác dụng làm cho người dân có lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải.

Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam, Nhật cũng làm sao ở ta lại phản đối?

Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam, Nhật cũng làm sao ở ta lại phản đối?

Việc tính phí có tác dụng làm cho người dân có lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải.