- Tôi có một người cháu là con em gái ruột, gọi tôi bằng bác. Cháu đang theo học tại một trường đại học trên địa bàn thủ đô. Cách đây một năm, gia đình tôi mới mua được nhà và đăng kí hộ khẩu ở Hà Nội. Nay tôi muốn chuyển cháu về sống cùng và nhập hộ khẩu tại nhà tôi. Tuy nhiên vợ tôi không đồng ý, vì sợ rằng sau này cháu liên quan đến chuyện chia tài sản, quyền sở hữu căn nhà đang ở sẽ rất phức tạp. Xin hỏi luật sư, nếu tôi nhập khẩu cho cháu về nhà mình thì liệu sau này cháu có quyền lợi gì liên quan đến tài sản, đất đai của tôi không? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Vợ tôi không muốn cho cháu nhập cùng hộ khẩu với gia đình (Ảnh minh họa)

Khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú năm 2013 quy định cụ thể.“Điều 24. Sổ hộ khẩu:

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.”

Việc có tên trong sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa quản lý hành chính chứ không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công dân.Vì thế, quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà nơi bạn đang sinh sống được xác định dựa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất. 

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Theo đó, người sử dụng đất hợp pháp được xác định là người được ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.Trong trường hợp này, vợ chồng bạn được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản này được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Vợ chồng bạn được xác định là người sử dụng đất hợp pháp.Người có tên trên giấy chứng nhận này mới có quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất. Cháu của bạn sẽ không phát sinh các quyền trên nếu không có tên trên giấy chứng nhận này. Theo đó, sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi cư trú của công dân và chỉ có ý nghĩa xác định quyền tài sản khi tài sản đó là tài sản chung của hộ gia đình, theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Dân sự 2005: “Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

Về quyền thừa kế, việc đăng ký hộ khẩu cũng không có ý nghĩa đối với quyền thừa kế. Theo quy định tại Bộ luật dân sự, quyền thừa kế được xác định theo di chúc của người để lại di sản. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật.Điều 676 BLDS 2005 quy định về những người có quyền thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, quyền thừa kế di sản không được xác định dựa vào tên người có trong sổ hộ khẩu gia đình.

Về thủ tục đăng kí thường trú được quy định cụ thể tại Thông tư số 35/2014/TT- BCA hướng dẫn Luật cư trú và nghị định số 31/2014 / NĐ- CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì theo quy đinh tại Điều 6 về hồ sơ đăng kí thường trú đối với trường hợp đặc biệt phải có văn bản đồng ý về việc con không có nơi cư trú cùng với cha mẹ và đăng kí thường trú ở với bạn, đồng thời người cho ở nhờ ( tức là bạn) cũng phải có văn bản đồng ý về việc cho ở nhờ để được đăng kí thường trú tại tỉnh. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc