Lời tòa soạn: Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang làm những người yêu mến âm nhạc của ông không khỏi ngậm ngùi. Với nhiều người, đặc biệt là thế hệ 7X, 8X, những bài hát, chương trình âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa này là một phần không thể thiếu từ thuở thanh xuân cho tới lúc trưởng thành. Dưới đây là những dòng tưởng nhớ về ông. Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ.

{keywords}
Nhạc sĩ Phú Quang có nhiều ca khúc hay về Hà Nội

Một nhạc sĩ của Hà Nội

Dù có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau nhưng không thể phủ nhận, ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang đã trở thành một phần tinh thần của rất nhiều người ở thế hệ 7X, 8X.

Ký ức về mùa đông, chân dung của nỗi thương nhớ, khắc khoải là hồn cốt trong hàng trăm ca khúc của Phú Quang. Điều lạ lùng là có nhiều ca khúc không hề nhắc đến cái tên Hà Nội, nhưng người nghe vẫn thấy thấm đẫm Hà Nội.

Đây là điều dễ mà không dễ. Dễ vì ký ức về Hà Nội là thứ dễ cảm, dễ lan toả cảm xúc. Nhưng khó vì không phải ai cũng làm nên được hồn cốt Hà Nội vốn bảng lảng, mơ hồ, khó nắm bắt, khó mô tả, gọi tên.

Và trong nhiều thứ thuộc về Hà Nội, tôi nghĩ có những ca khúc của anh. Nói điều đó không phải anh mới nhận giải thưởng rất lớn trong mắt nhiều người mà với tâm cảm của một người nghe nhạc và yêu Hà Nội phố.

Nhiều người đang sống tại thành phố này chắc cũng nghĩ thế và người đã rời đi, người đang muốn trở lại càng thấm sẽ càng thấm khi gặp lại ký ức trên nốt nhạc đó. Thế nên anh mới là nhạc sỹ "Hà Nội phố".

Một người bạn đã kể chị từng rời Hà Nội để định cư ở phương Nam. Cứ bám trụ dù rất nhiều bầm dập và tưởng như chẳng bao giờ quay về. Nhưng một hôm, mở radio, nghe cô ca sĩ hát "Làm sao về được mùa đông", thì cả trời ký ức dội về. Lập tức khoác ba lô, lên tàu ra Hà Nội.

Nhiều người biết ca khúc của Phú Quang đều biết có một số lượng lớn ca khúc là phổ thơ của nhiều nhà thơ khác nhau. Trong đó, có những bài thơ không làm cho Hà Nội mà một vùng xa lắc khác ven sông Hồng... Nhưng khi đặt vào nhạc Phú Quang, nó trở thành rất Hà Nội.

Đôi khi tôi hay nghĩ về sự mặc định dẫn tới hiểu nhầm, về sự ảnh hưởng tâm lý đám đông khiến mình cứ à, ồ cho nó là thế này, thế kia.

Nhưng càng nghĩ càng không phải vậy. Nếu có một nhà Hà Nội học nào đó đề nghị chỉ ra những minh chứng để nói nhạc Phú Quang rất Hà Nội, những câu trả lời sẽ thế nào?

Có vài người sẽ chỉ ra cái lãng đãng chiều đông, làn sương mờ ảo, cây cầu bắc qua sông, tiếng chuông chùa xa vắng...

Thậm chí có người sẽ nói khi ông viết "Em ùa chạy như lá khô gió cuốn" rất giống với hình ảnh mùa lá rụng ở phố Phan Đình Phùng - con đường được bao thế hệ trẻ checkin...

Nhưng đều sai, hoặc chưa thật đúng. Hà Nội, không ai nắm bắt được mà chỉ cảm được. Nó hệt như ký ức, rất gần và cũng xa xôi, đôi khi đã mờ mịt nhưng lại như tiếng đập trong tim mình.

Tôi rất quý những người tạo nên ít nhất một tác phẩm về Hà Nội mang hồn cốt Hà Nội như vậy. Thế mà Phú Quang có một gia tài đồ sộ.

Kỳ thực, nhạc của anh không phải phong cách khiến tôi trở thành fan cuồng như dòng khác. Nhưng tôi yêu Hà Nội của anh, con người nghệ sĩ phiêu du đến "không nhớ nổi một tên đường" trong ca khúc của anh.

Một ngày mùa đông im lặng.

Xin vĩnh biệt, và cảm ơn anh- người đã cho tôi và chúng ta những ca khúc để đời.

Vĩnh Hà

{keywords}
Nhạc sỹ Phú Quang có cả một gia tài viết về Hà Nội

Hoài niệm 24

"Gửi lại em
Tờ thư 24 gác mưa
Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm..."

... Phú Quang, chàng nhạc sĩ hào hoa của những nỗi nhớ Hà Nội dằng dặc vừa từ giã cõi đời, do bạo bệnh đã lâu.

Trong ký ức của những người yêu Hà Nội, xa Hà Nội, sống ở Hà Nội, những bản tình ca về Hà Nội của Phú Quang đã quá quen thuộc với "Em ơi, Hà Nội phố', 'Ngọn nến', 'Lãng đãng chiều đông Hà Nội', ' Im lặng đêm Hà Nội', 'Nỗi nhớ mùa đông', 'Khúc mùa thu'...

Nhớ, thời sinh viên, đạp xe trên con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú những đêm mùa đông, lặng nghe văng vẳng đâu đó âm thanh từ Radio nhà ai, những thanh âm phố, những thao thức phố, những nỗi nhớ phố, nhớ Hà Nội. Da diết, gần gũi và đắm chìm...

Tất cả những tình ca của Phú Quang, dường như đã được người yêu Hà Nội thuộc làu làu, dường như ai đó cũng cất riêng một bản nhạc của ông vào một góc con tim, gắn với những kỷ niệm khó phai.

Nhưng cảm giác, ít người biết đến bài "Tình khúc 24' của Phú Quang, phổ thơ Dương Tường. Đây là một bài mình đặc biệt thích, cả một thời trai trẻ thường nghe, giờ vẫn thỉnh thoảng mở lại mỗi lúc lái xe một mình. Chả biết sao lại thích đến thế...

Nhớ nhạc sĩ, tôi tìm những dòng viết về ông trên mạng. Thấy người ta viết rằng, nhạc sĩ từng nói về bài hát: Chàng thích một cô bạn học dương cầm từ năm 17 tuổi tới năm 24 tuổi, nhưng chỉ dừng ở mức đôi bên quý mến nhau. Thiếu nữ sau sang Pháp.

Đâu đó năm 1986, ông biết đến bài thơ Tình khúc 24 của Dương Tường. Bài thơ cũng được tác giả viết tặng một cô gái 24 tuổi mà ông thích. Nhớ lại chuyện xưa, trùng nhịp cảm xúc, Phú Quang liền phổ nhạc. Ông nói mình "viết chơi ôn lại kỷ niệm" về một câu chuyện đẹp thời đôi mươi.

"24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu
Đại lộ tháng tư"

Search trên mạng, thấy năm 2018, tác giả Hoàng Thi bình trên VNepress về "Tình khúc 24': Con số 24 trở thành tín hiệu của cảm xúc. Khi ta còn trẻ và thích một người, cả thế giới dường như vận hành theo người đó. Cô gái 24 tuổi nên vạn vật xung quanh đều dừng ở hệ số đếm 24. 

Với nhiều cô gái, 24 là tuổi đẹp nhất của đời người. Họ đã đi qua những năm đầu tuổi 20 chênh vênh để nhận ra mình là ai. Sự lãng mạn đã đủ đầy và đằm hơn. Họ vẫn mơ mộng nhưng trong mơ mộng đã có thêm nhiều nỗi buồn của những lần tan vỡ, thất bại. Họ vẫn trẻ trung, yêu đời nhưng cũng bắt đầu ngẫm ngợi về tương lai.

Tuổi 24, nhiều cô gái đã bỏ lại sau lưng vài cuộc tình thời đại học, có người bước vào cuộc sống hôn nhân, có người còn hoang mang với lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường. Những điều đẹp đẽ nhất, gửi lại cho tuổi 24. Với Dương Tường hay Phú Quang, họ gửi cả cuộc tình thời trẻ ở lại cùng tuổi 24 của cô gái.

"Gửi lại em
Tờ thư 24 gác mưa
Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
Cơn mơ
Chợt hiện chợt tan"

Giai điệu như nhịp đếm của đoạn đầu nhanh chóng chuyển sang sự dàn trải, miên man. Mọi thứ trước mắt bỗng hóa thành vùng kỷ niệm mơ hồ, khó nắm bắt. Khi cuộc tình kết thúc, người con trai để lại tất cả điều đẹp nhất của một cuộc tình và ra đi. Cả kỷ vật, mùi hương, con đường quen đều gói ghém trả lại cho cô gái. Còn cô góa bụa cuộc tình.

"Gửi lại em
24 lối công viên
24 vầng trăng góa
Anh gửi lại em tất cả
Riêng đêm em xòa
24 quầng bóng xuống đời

Anh giữ lại cho anh"...

Thụy Du

Âm nhạc khỏa lấp tâm hồn

"Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp

Khi thanh âm cũng bất lực như lời"

Xin được thắp một nén nhang từ phương xa tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa, người tình, người tri kỉ, người bạn âm nhạc của hàng triệu triệu người con đất Việt: Nhạc sĩ Phú Quang.

Xin phép chia sẻ lại những dòng cảm xúc tuôn trào trên giấy sau đêm xem live show trực tiếp "Về miền ký ức" và được gặp mặt người nhạc sĩ mình vô cùng yêu mến vào tháng 12 năm 2018. Đây có lẽ cũng là live show cuối đời của ông?

Sau bao năm ‘miệt mài’ xem các show Phú Quang qua Youtube, miệt mài ‘cày’ karaoke nhạc Phú Quang đến tận quá 12h khuya bên Úc vào các tối cuối tuần với mấy ‘con’ PhDs, tối hôm qua mình đã mời được hai nhà tài trợ chính đưa ba con ngựa hoang đi xem live show đêm nhạc Phú Quang với chủ đề ‘Trong miền kí ức’.

Với mình, nhạc Phú Quang là thứ âm nhạc mình yêu nhất từ trước tới nay. Mình tin rằng không chỉ riêng mình mà trong số bạn Facebook của mình sẽ còn rất nhiều người cũng yêu nhạc Phú Quang.

Trước khi ra ‘tỉnh’ thì ‘gái quê’ là mình làm gì biết đến nhạc Phú Quang. Như mình đã từng chia sẻ, kí túc xá là thời đại học là một ngôi trường tuyệt vời với mình. Những tháng năm khó khăn, nghèo khổ ấy lại là một trong những quãng thời gian giúp mình trưởng thành, nuôi dưỡng ý chí vượt khó của mình cũng như biết bao bè bạn cùng trang lứa.

Nếu như bây giờ mỗi khi đi nghỉ check khách sạn/resort mấy sao thì ngày xưa, khoảng 20 mét vuông của phòng ký túc xá chứa 12-14 đứa tụi mình. Mỗi nàng một ô giường một (single) để ngủ, nghỉ, học giải trí, tiếp bạn, v.v... Và cũng từ phòng kí túc xá đại học ngoại ngữ ấy, một người bạn cùng phòng cùng quê Thái Bình với giọng hát nội lực da diết đã gieo vào lòng mình những ‘Tình khúc 24’, ‘Đâu phải bởi mùa thu’. Với mình, tuy không được đào tạo làm ca sĩ chuyên nghiệp nhưng những bài hát bạn thể hiện thì luôn tình cảm, day dứt, lắng đọng mà tụi mình luôn nổi da gà.

Tại sao nhạc Phú Quang lại làm mê hoặc lòng người, lòng mình?

Các bạn của tôi, các bạn có bao giờ buồn, có bao giờ có những điều ước không thành sự thật, có bao giờ khắc khoải bởi những kỉ niệm xưa, dù nó mênh mang, vô định và không thể gọi rõ thành tên? Với mình âm nhạc của Phú Quang chính là thứ âm nhạc giúp khoả lấp tâm hồn mình những lúc mình cảm thấy cô đơn, bế tắc, buồn.

Điều mình thích nhất đó là nhạc Phú Quang tuy buồn nhưng không uỷ mị, vô vọng, mà đâu đó chỉ là những tự sự, những hoài niệm về quá khứ. Tác giả dường như khuyến khích ta chấp nhận nó như là một phần của số phận của cuộc sống, chấp nhận những nỗi buồn đã xảy ra nhưng mình cần can đảm bước tiếp với cuộc sống của mình.

....

Hãy thử nghe và cảm nhận nhé các bạn của tôi. Hãy thử cảm nhận một ‘Chiều không em’, với ‘Hà nội và em khi thu chớm đông sang’, ‘Nỗi buồn’, ‘Đôi mắt’. Hãy để cảm xúc tự nhiên tan chảy với ‘Tình khúc 24’, với ‘Đâu phải bởi mùa thu’, và với ‘Khúc mùa thu’. Hãy cứ tự do hoài niệm với ‘Trong miền kí ức’, ‘Thương lắm tóc dài ơi’, ‘Một dại khờ một tôi’, và ‘Mơ về nơi xa lắm’. Nếu có nhớ Hà nội thì hãy thả hồn mình cùng ‘Im lặng đêm Hà Nội’, ‘Em ơi Hà Nội phố’, ‘Lãng đãng chiều đông Hà Nội’, và ‘Nỗi nhớ mùa đông’ nhé mọi người.

Mình thấy rất mãn nguyện vì đã thực hiện được điều ao ước bấy lâu của mình: xem live show của người nhạc sĩ mà mình yêu mến – Phú Quang, với sự góp mặt của hai ca sĩ mình trân trọng tài năng – Thanh Lam và Thu Phương. Điều đặc biệt hơn cả là được tay trong tay với nhà tài trợ chính, người luôn ở ‘Trong miền kí ức’ của mình – dù anh ta có giở máy tính ra làm việc giữa chương trình trong khi mình đang mải miết ‘mơ về nơi xa lắm’. Thi thoảng được cười hi hí với hai con ngựa và một con dê ngồi kế bên cũng là điều mình trân trọng trong buổi tối hôm qua.

Xin vĩnh biệt ông, một tài năng của nền âm nhạc Việt nam. Ông ra đi nhưng âm nhạc của ông sẽ còn lại mãi với đời.

Hương Nguyễn

******

Phú Quang: Bán Hà Nội để mua Hà Nội

Phú Quang: Bán Hà Nội để mua Hà Nội

Vậy lý do gì Phú Quang bán Hà Nội? Ai bán mà chả cần tiền? Xin thưa, Phú Quang bán Hà Nội để có tiền mua một Hà Nội khác, thế thôi!

Bạn có những suy tư, hoài niệm gì cùng nhạc sĩ Phú Quang và các ca khúc của ông, xin mời chia sẻ theo mẫu phản hồi dưới đây: