Sự việc xảy ra vào ngày 21/7, khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hoàng Phi Kha thực hiện công việc của một tình nguyện viên là đi chợ mua đồ giúp người dân trong khu cách ly. Do không có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn thực phẩm, anh đã mua nhầm món rau.

Anh chia sẻ: “Trong đơn hàng chị khách muốn mua 1/2kg loại xà lách búp Mỹ, nhưng mình không biết lấy lộn 1kg xà lách xanh, vì lúc đó trên quầy chỉ có 1 loại. Thế là chị ấy gọi điện chửi mình”. 

Mặc dù sau đó anh giải thích với nữ khách hàng rằng chỉ là tình nguyện viên và không rành về rau, đồng thời cũng đã xin lỗi, tuy nhiên vẫn bị chửi: “Tụi em làm tình nguyện viên hay là phá hoại. Nhắm làm được thì làm, không được thì nghỉ đi”

{keywords}
Người mẫu, diễn viên Hoàng Phi Kha tỉ mẩn đọc đơn hàng khi mua giùm cho người dân vùng bị cách ly.

Sự việc khiến anh rất buồn, nhưng vẫn nhịn vì sợ ảnh hưởng tới các tình nguyện viên khác. Bên cạnh đó, nam diễn viên cũng khẳng định, cuộc sống có người này người khác. “Ngay hôm sau đó tôi đi mua rau cho người dân, có nhiều người đã cảm ơn rối rít”.

Sau vài ngày, sự việc bị người dân mắng chửi khi làm tình nguyện viên trong mùa dịch gần như đã không còn ảnh hưởng đến Hoàng Phi Kha, anh vẫn tiếp tục vui vẻ cùng đồng đội hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Thế nhưng, vẫn còn có nhiều bạn trẻ khác khó chấp nhận cách đối đãi của một vài người dân trong quá trình đi làm tình nguyện.

Mới đây, trên nhiều trang Facebook, bài viết về nhóm tình nguyện viên bị một người dân mắng chửi khi yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm PCR cho con trai nhỏ khiến nhiều người bức xúc. 

Theo thông tin được chia sẻ, sự việc xảy ra tại TP.HCM. Do cậu bé sợ bị đau nên người bố hỏi các tình nguyện viên có thể không xét nghiệm được không. Trong khi các tình nguyện viên đã nhẫn nại giải thích: “Mong chú hợp tác, chúng con chỉ đang làm nhiệm vụ và đúng quy trình của nó ạ”, thì người đàn ông bắt đầu chửi tục vì lí do: “Mấy người có con đâu mà hiểu, nó khóc um sùm không mệt hả?”.

Những tình nguyện viên cảm thấy rất bất ngờ khi bị mắng chửi vô cớ. Họ cũng không hiểu mình đã làm sai điều gì mà phải chấp nhận những lời nói như vậy. Hiện tại sự việc trên vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng phía dưới bài viết đã nhận được rất nhiều phản hồi từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ về sự việc tương tự mà mình đã trải qua. 

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Trâm chia sẻ: “Mình là tình nguyện viên đi trực các chốt kiểm dịch. Hôm nọ có một chú khai không đúng mã nên mình bảo khai lại. Chú không chịu, mặc dù mình đã giải thích, thậm chí là năn nỉ rằng mình không đủ thẩm quyền để cho chú vào nếu không khai lại. Chú nói mình “về học cách cư xử lại với dân đi”, rồi mặc cho mình năn nhỉ giải thích, chú chửi mình “đồ vô học”. Mình khóc cả buổi”.

Facebook Ngọc Thanh cũng bình luận: “Mọi người chỉ đau 5 giây, tốn thời gian khai báo chưa đến 1 phút mà đã khó chịu vậy rồi. Chúng tôi, những nhân viên y tế, những tình nguyện viên đã bao nhiêu ngày dãi nắng dầm mưa, phải tất bật từ sáng đến khuya vẫn luôn nhẫn nại, kiên trì từng chút. Chỉ mong mọi người hãy cố gắng 1 chút, hợp tác một chút vì ai cũng đã mệt mỏi lắm rồi ạ. Chúng tôi không hề muốn làm mọi người đau, làm mọi ng khó chịu đâu. Chỉ vì đại dịch không ai mong muốn thôi, chúng tôi cũng không đáng phải bị la mắng với chì chiết như vậy nữa”...

Bên cạnh rất nhiều lời chia sẻ, động viên, an ủi, có nhiều người cũng đã “mách nước” cho các tình nguyện viên trong tình huống người dân không hợp tác: “Cứ làm bản cam kết cho những người này, rằng “tôi không đồng ý test” cho nhanh, khỏi lật lọng”.

Trong thời điểm cả nước đang chống dịch như chống giặc, đặc biệt là tại TP.HCM, mỗi sức người, mỗi sự đóng góp đều đáng được trân trọng. Các lực lượng y tế tuyến đầu, các tình nguyện viên thậm chí đã phải hi sinh giấc ngủ, bữa ăn của mình để phục vụ cộng đồng. Điều chúng ta cần hiện tại là sự hợp tác, chung sức chung lòng và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Khánh Hòa

Bếp ăn nghĩa tình hơn 5.000 suất mỗi ngày của người TP.HCM chống dịch

Bếp ăn nghĩa tình hơn 5.000 suất mỗi ngày của người TP.HCM chống dịch

Trong 50 ngày liên tiếp, anh Bùi Thanh Tùng cùng những người bạn của mình đã nấu hơn 150.000 suất cơm hỗ trợ cho người dân TP.HCM.