- Cha tôi có mở một nhà hàng lớn trong huyện và thu hút nhiều khách đến ăn, trong đó có nhiều quan chức của địa phương. Nhưng khi họ đến ăn, cha tôi thường không lấy tiền, thỉnh thoảng những dịp lễ tết lại biếu họ quà cáp này khác. Những việc này nhằm giúp kinh doanh được thuận lợi hơn và được ghi chép lại như chi phí kinh doanh bình thường.

Vừa rồi, trong đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà hàng của cha tôi bị đối thủ chơi xấu, cài cắm người mang đồ ăn không đảm bảo vào nhằm mục đích cha tôi bị phạt, thậm chí có nguy cơ đóng cửa nhà hàng. Một nhân viên của nhà hàng đã thông đồng với đối thủ, lấy cắp sổ ghi chép và hóa đơn của cha tôi, dọa đem chuyện cha dùng tiền, quà mua chuộc cán bộ nhà nước.

Xin hỏi luật sư hành vi của cha tôi có bị coi là đưa hối lộ không? Số tiền bao nhiêu hay hậu quả thế nào thì bị cho là đưa hối lộ? Nếu có thì mức phạt ra sao?

{keywords}
Cha tôi bị chơi xấu, vu tội hối lộ quan chức (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản liên quan, tội đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của một người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đưa một lợi ích vật chất có giá trị theo quy định của BLHS dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện. Việc đưa hối lộ có thể trực tiếp hoặc qua trung gian, dưới hình thức quà biếu, cho, tặng… Của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm, nếu của đưa hối lộ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu của đưa hối lộ có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

Theo thông tin bạn cung cấp thì việc ăn uống không lấy tiền, biếu quà cáp chưa đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc