- Bố tôi đang làm việc trong một công ty xây dựng tư nhân. Kế toán công ty bố đã lợi dụng mối quan hệ với giám đốc để gian lận, biển thủ một số tiền 700 triệu đồng. Để thực hiện việc này, người kế toán đó nhờ bố tôi viết một dự án ảo, hợp thức hóa việc lấy được số tiền trên, bù lại bố tôi sẽ nhận được 200 triệu tiền công.

Khi đã hoàn thành dự án và chuyển giao cho kế toán, sợ bị phát hiện nên bố đã từ chối không nhận khoản tiền trên, yêu cầu kế toán nếu thực hiện thì không nêu ra tên của mình. Người kế toán đó cũng đồng ý. Tuy nhiên, đến khi bị phát hiện, người kế toán đó lại khai ra bố tôi đứng sau toàn bộ vụ việc này.

Vậy xin hỏi luật sư, nếu sự thật bị phát giác, dù không nhận tiền nhưng bố tôi có bị khởi tố cùng tội danh đồng phạm với người kế toán kia không? Mức hình phạt cao nhất bố tôi có thể nhận được là gì? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Bố tôi vạch ra bản thảo dự án nhưng không nhận tiền (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy hành vi của bố bạn có dấu hiệu phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức cho người kế toàn chiếm đoạt số tiền 700 triệu của công ty. Như vậy, bố bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với cùng tội danh mà người kế toán bị truy tố. 

Để định tội danh của người kế toán và bố bạn cần có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trong phạm vi thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng bố bạn và người kế toán có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Với số tiền chiếm đoạt lên đến 700 triệu đồng thì nếu bị truy tố về tội danh trên, bố bạn và người kế toán có thể phải chịu khung hình phạt từ mười hai năm đến chung thân. 

Để giảm nhẹ mức hình phạt, bạn cần khuyên bố mình thành khẩn khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email luatthemis@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc