Cám ơn bạn đã tin tưởng và gởi câu hỏi đến cho chúng tôi. Tuy nhiên, vì bạn không nêu rõ về độ tuổi cũng như trường hợp cụ thể của bạn nên tôi xin gởi đến bạn về các điều kiện để một di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 BLDS 2015 như sau:

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

{keywords}
Ảnh minh họa

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Tùy từng trường hợp mà bạn tuân thủ theo các điều pháp luật đã quy định để có thể bảo đảm tính hợp pháp cho di chúc của mình. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý điểm a, khoản 1, điều 630 BLDS 2015:

 a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

Tuy người lập di chúc không buộc phải đi khám sức khỏe vì luật dân sự không có quy định phải khám sức khỏe, cũng giống như không cần phải công chứng hay chứng thực tất cả các di chúc. Tuy vậy, trong thực tế thì di chúc của người cao tuổi hoặc bị bệnh nặng mãn tính rất dễ bị tranh chấp với lý do không còn minh mẫn, sáng suốt. Lúc đó thì sẽ phát sinh tranh chấp kéo dài, mong muốn và ý chí của người lập di chúc có thể không được thực thi ngay khi di chúc có hiệu lực.

Để đảm bảo ý nguyện của người lập di chúc cũng như để tòa án thuận lợi khi giải quyết vụ án khi có tranh chấp thì các sở tư pháp có hướng dẫn đối với đối tượng này thì phòng công chứng cần khuyên họ khám sức khỏe trước. Lưu ý, khám sức khỏe tâm thần ở các trung tâm giám định sức khỏe tâm thần chứ không phải khám sức khỏe ở các bệnh viện. Kết quả khám là: tinh thần bình thường.

Với tư vấn trên hy vọng sẽ giúp được bạn trong việc lập di chúc mà bạn đang quan tâm.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Thị Nga, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM - Thuộc Cộng đồng Luật sư IURA.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Lập di chúc mới, di chúc cũ còn hiệu lực không?

Lập di chúc mới, di chúc cũ còn hiệu lực không?

Ngoại tôi lập di chúc để lại  ngôi nhà cho 3 anh em. Anh cả giữ di chúc không cho ai xem. Giờ nếu ngoại tôi  lập di chúc mới thì di chúc cũ còn hiệu lực không?